Đã qua 28 lần tổ chức, tương ứng với hơn nửa thế kỷ tồn tại song Đại hội thể thao ĐNÁ ngày càng biến chất, không chỉ “vui là chính” mà còn gây ra sự bức xúc với những điều vô lý đến mức kỳ dị.
Thể thao quốc tế đang bùng nổ các loại hình thi đấu tuy nhiên không có một đại hội thể thao nào lại giống như SEA Games, khi chương trình thi đấu sau mỗi kỳ lại thay đổi tới phân nửa. Sự biến dạng khủng khiếp đó hoàn toàn phụ thuộc vào nước chủ nhà, khi có quyền, thích như thế nào thì cứ việc bỏ môn này ra, đưa môn kia vào, tăng giảm nội dung một cách thỏa mái.
Điều đáng nói, nó chẳng căn cứ vào bất cứ tiêu chí nào cả, một phân môn Olympic như bóng đá nữ rồi hàng loạt nội dung chính thức của bắn súng, vật cũng có thể bị loại để nhường chỗ cho “đặc sản” lạ hoắc của khu vực hay chủ nhà.
Tất cả miễn sao có lợi nhất cho quốc gia đăng cai. Chẳng thế mà ngoại trừ những nơi quá yếu như Brunei, Lào hay Myanmar còn lại hễ nước nào tổ chức đồng nghĩa họ luôn đoạt ngôi số 1. Không nói đâu xa, như Việt Nam tại SEA Games 22 trên sân nhà cũng lần đầu tiên bứt lên đứng đầu với 158 HCV, bỏ xa “đại gia” Thái tới 68 chiếc, một khoảng cách khó tin trong so sánh tương quan của 2 nền thể thao.