Tại SEA Games 31, Pencak Silat là một trong các môn thi đấu sớm nhất, những trận tranh huy chương đầu tiên diễn ra từ ngày 10-11/5 (trước Lễ khai mạc 12/5). Các võ sĩ sẽ tranh tài ở 10 hạng cân đối kháng (8 nam, 2 nữ), 6 nội dung biểu diễn (cá nhân, đồng đội nam - nữ).
Năm 2019, SEA Games 30 chứng kiến thành tích thấp nhất của đội tuyển Silat Việt Nam so với các kỳ đại hội trước đó (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ, xếp thứ 6 toàn đoàn). Điều này một phần đến từ các hạng cân thế mạnh của chúng ta bị lược bỏ, đây cũng là kỳ SEA Games có ít nội dung thi đấu nhất trong 19 năm trở lại đây (9 nội dung).
Việc đưa các hạng cân sở trường trên 70kg nam ở kỳ đại hội tới quay trở lại giúp những võ sĩ kỳ cựu như Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam (HCV ASIAD 2018), Nguyễn Duy Tuyến (HCV SEA Games 2013, 2017, 4 lần Vô địch Thế giới) có cơ hội cải thiện thành tích của toàn đội. Hiện tại, đội tuyển Việt Nam đang đặt mục tiêu từ 6-7 huy chương Vàng ở kỳ đại hội trong tháng 5.
Kì SEA Games trên sân nhà với bộ luật hoàn toàn mới
Vấn đề hạng cân không phải thách thức lớn nhất trong việc đạt chỉ tiêu vàng của đội tuyển Silat Việt Nam, khi trước mặt họ là một bộ luật thi đấu hoàn toàn mới.
Từ tháng 3/2020, Liên đoàn Pencak Silat Quốc tế (PERSILAT) đã công bố những thay đổi đáng kể về luật thi đấu áp dụng cho tất cả các giải đấu. Nhiều bộ kĩ thuật bị cấm trước kia, nay đã được cho phép để tăng tính đối kháng cho các cuộc so tài.
Với đội tuyển Việt Nam, kể từ khi bộ luật mới được công bố cho tới nay, các võ sĩ chỉ mới được trải nghiệm thi đấu quốc tế tại giải Vô địch Đông Nam Á 2022 vừa qua tại Singapore. Dù giành chiến thắng áp đảo với 9 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ, những thay đổi trong luật thi đấu vẫn là thách thức số một của các vận động viên.
“Ngay từ đầu năm, ĐTQG đã được tập trung, chúng tôi cũng may mắn khi được tham dự giải VĐ Đông Nam Á - lần đầu tiên sau 2 năm luật thi đấu mới được ban hành. Do những cản trở của dịch bệnh khiến các vận động viên chưa nắm bắt được nhiều với bộ luật mới.
“Qua giải Vô địch Đông Nam Á vừa qua, các vận động viên đã hiện tốt như dự tính của ban huấn luyện. Đây là cơ hội đầu tiên để các em trải nghiệm trên sàn đấu quốc tế, do từ khi bộ luật mới được Liên đoàn Pencak Silat Quốc tế công bố qua trực tuyến, các em mới chỉ được tiếp cận qua tài liệu - lý thuyết. Theo thực tế trải nghiệm thi đấu, ban huấn luyện nhận định các em có khả năng thích nghi tốt với những thay đổi mới.” - HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat quốc gia Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Trước việc bộ luật mới cập nhật thêm hàng loạt kĩ năng tấn công hợp lệ, ông Nguyễn Văn Hùng cùng ban huấn luyện đội tuyển phải chọn lọc một số nhóm kĩ năng có khả năng áp dụng cao nhất đưa vào chương trình huấn luyện cho các vận động viên.
“Luật thi đấu mới gần như thay đổi hoàn toàn. Trước kia, các vận động viên di chuyển, ra vào đòn thực hiện các đòn rõ nét. Hiện tại, các kĩ thuật ôm, bốc, túm giáp, kéo ngã, lên gối sống, đánh chỏ đều bị cấm nay đã được cho phép. Ngoài ra, các đòn phạm luật như đánh vào mặt bị trừ tới 5 điểm (bộ luật cũ trừ 1 điểm - PV). Đây là trải nghiệm mà chúng tôi đã trực tiếp phải đối mặt ở giải Vô địch Đông Nam Á, có những thời điểm dẫn trước tới 8 điểm, nhưng chỉ phạm một lỗi nhỏ, vận động viên có thể bị trừ 5, 10 điểm và mất hoàn toàn lợi thế”.
“Luật thi đấu thay đổi quá nhiều khiến các VĐV và HLV cũng khó để nắm bắt hết. Điển hình như các kĩ thuật khóa, bẻ khớp tay - chân thường xuất hiện trong các môn MMA nay cũng được phép, được xếp vào kĩ thuật khó khiến chúng tôi chưa thể phổ biế thực hành hết được. Trước kia, các võ sĩ chưa có trải nghiệm thua “out” theo cách trên, nên có thể các em sẽ gặp vấn đề khi phải đối mặt với các tình huống tương tự.”
“Thể lực” - Thách thức từ cả trong và ngoài
Tính cạnh tranh là một trong những tiêu chí khiến PERSILAT đưa ra thay đổi cho bộ luật mới, điều này dẫn tới việc thể lực chuyên môn của các võ sĩ phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn.
“Một điểm rất quan trọng nữa với bộ luật mới là vấn đề thể lực. Trước đây, khi vận động viên kết thúc một nhịp đòn, trọng tài sẽ đưa trận đấu bắt đầu lại từ giữa thảm. Hiện tại, tình huống kết thúc ở góc nào, trận đấu sẽ tiếp tục ngay tại vị tạm dừng, vận động viên phải đứng dậy thi đấu luôn không có sự ngắt quãng.”
“Bên cạnh nền tảng thể lực chung, ban huấn luyện thường xuyên yêu cầu các vận động viên thực hiện các bài thể lực mang tính chuyên môn. Đặc biệt với các vận động viên trẻ, một số em có thể chưa tích lũy được bản lĩnh thi đấu dày dặn lẫn sự bền bỉ, nay cũng phải tiếp nhận những thay đổi mới. Ban huấn luyện đã xây dựng kế hoạch phát triển chung nhằm đưa khả năng duy trì thể lực của các vận động viên trẻ đáp ứng ở mức cần thiết.”
“Hiện tại, chúng tôi tăng cường các bài đối luyện bắt chân, tay, túm giáp kéo ngã ở mức độ đơn giản, hay bắt đầu đấu tập ngay ở tư thế ôm, vật liên hoàn tương tự các môn Judo, Jujitsu, hạn chế tối đa thời gian nghỉ của vận động viên trong trận đấu. Ngoài tập luyện, dinh dưỡng của các vận động viên cũng được bổ sung qua chế độ ăn, thực phẩm chức năng hàng ngày.” - HLV Nguyễn Văn Hùng phân tích.
Ngoài những quốc gia thế mạnh về Silat như Indonesia, Malaysia - hai quê hương của môn võ này, Thái Lan với những vận động viên có nền tảng thi đấu Muay Thái được dự đoán sẽ mang lại nhiều khó khăn cho các võ sĩ Việt Nam. Bên cạnh đó, Singapore là một trong những quốc gia đóng góp nhiều trong việc xây dựng bộ luật mới, sẽ có lợi thế trong việc tiếp cận thực tế.
“Dù gặp nhiều thách thức, ban huấn luyện vẫn hướng tới mục tiêu chuẩn bị chuyên môn và tâm lý tốt nhất cho các vận động viên, với sự tự tin rằng tất cả các nội dung, chúng ta đều có khả năng tranh chấp huy chương.” - HLV Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Một số hình ảnh đáng chú ý của đội tuyển Pencak Silat Việt Nam trước thềm SEA Games: