Mức đầu tư “cứng” chưa bằng 1/3 người Thái
Trong nhiều năm qua, theo dự toán chi ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính, ngành thể thao Việt Nam được rót chỉ trên dưới 750 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp. Trong khi đó, so sánh đơn giản với “đối thủ” mà thể thao Việt Nam luôn đặt cạnh là Thái Lan khoản tương ứng lên tới 4 tỉ bath, khoảng gần 2.500 tỉ đồng. Mức đầu tư này chưa bằng 1/3 của người Thái. Và nếu nhìn ngay vào sự chênh lệch “khủng” đó trong cả một quá trình dài mới thấy, mục tiêu bám đuổi họ cả về nền tảng lẫn thành tích đỉnh cao là vô cùng khó.
Hiện tại Việt Nam dù năm nào cũng ưu tiên tối đa cho mảng thành tích cao, với tỷ lệ chiếm tới 70% kinh phí song rõ ràng nguồn kinh phí vẫn vô cùng hạn hẹp. Nó vẫn chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế của việc đào tạo, tập huấn thi đấu thuộc diện trung bình của khu vực Đông Nam Á. Càng đáng nói hơn vì sau SEA Games 2003, TTVN cũng không còn có một chương trình mang tính mục tiêu quốc gia với nguồn kinh phí riêng 150 tỉ đồng như khoảng thời gian trước đó.
Đơn cử trong việc chuẩn bị trực tiếp SEA Games, nếu Việt Nam cao nhất cũng chỉ có khoảng 100-120 tỷ đồng cho cả một chiến dịch, riêng khoản mà người Thái rót cho đào tạo tập huấn của VĐV, cũng đã khoảng 180-200 tỉ đồng. Họ đầu tư cho các môn thế mạnh truyền thống, cho đích nhắm ASIAD và Olympic còn mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhiều, với nhiều nguồn lực khác nhau.
Trên thực tế, với thể thao Thái Lan, mức 2.500 tỉ đồng mỗi năm mới chỉ phản ánh một phần sự đảm bảo ở mức dồi dào và chủ động, gắn với hiệu quả xã hội hóa tuyệt vời, trên tất cả các mặt. Riêng mảng thành tích cao, không phải nhà nước mà chính các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, được hậu thuẫn bởi các doanh nhân giàu có, doanh nghiệp hùng mạnh mới “làm chủ” các hoạt động của từng môn. Từ bóng đá, bóng chuyền, cầu mây, muay, boxing, cho đến điền kinh, bơi, taekwondo hay bi sắt.
“Bó tay” kéo dài nếu không xã hội hóa
Trong bối cảnh hiện tại, khả năng ngành thể thao có thể được tăng kinh phí sự nghiệp “cứng” hàng năm gần như không thể, nếu không muốn nói là còn giảm. Theo thống kê, ngoại trừ năm đăng cai SEA Games 2003, định mức dành cho thể thao chưa bao giờ vượt quá 0,8% tổng chi ngân sách. Có nghĩa là, khi mà không thể tự làm ra tiền, xã hội hóa yếu kém như hiện tại, thể thao Việt Nam sẽ còn luôn gặp khó, thậm chí nhiều trường hợp phải “bó tay”.
Gần 30 Liên đoàn – Hiệp hội thể thao quốc gia của Việt Nam hiện tại mới chỉ VFF có đủ điều kiện, nguồn lực, rõ nhất về kinh phí để có thể đảm trách một phần việc đào tạo, tập huấn VĐV cấp độ ĐTQG. Hàng năm, nhà nước vẫn phải rót không dưới 20 tỉ đồng cho mảng quan trọng hàng đầu này của BĐVN. Còn hầu hết Liên đoàn- Hiệp hội khác đều rơi vào tỉnh cảnh hữu danh vô thực.
So sánh taekwondo, môn từng giúp thể thao Việt Nam giành HCV ASIAD đầu tiên và nhất là tấm HCB Olympic lịch sử mới thấy rõ hiện trạng đáng buồn như thế nào. Để chuẩn bị cho Olympic 2020, Liên đoàn Taekwondo Thái Lan đã đưa ra một kế hoạch “khủng”, trong đó về kinh phí, họ đã có một khoản 20 triệu bath (khoảng 13 tỉ đồng) mỗi năm dành cho việc thuê chuyên gia ngoại, tập huấn thi đấu, bên cạnh khoản hỗ trợ của nhà nước. Nhờ thế, ĐTQG Thái mới được dẫn dắt bởi 4 chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc, được đáp ứng cao nhất mọi nhu cầu về tập luyện, thi đấu, trang thiết bị, dinh dưỡng, thuốc men…
Ngay từ bây giờ, riêng taekwondo Thái Lan đã “treo” thưởng cho 1 tấm HCĐ Olympic 2 triệu bath, khoảng 1,3 tỷ đồng). Còn taekwondo Việt Nam vẫn trông chờ cả vào nguồn chưa tới 100.000 USD mỗi năm của ngành thể thao, trong khi Liên đoàn không có gì. Thậm chí, Liên đoàn Taewondo Việt Nam nghèo khó và thụ động đến mức từng không lo nổi khoản 100.000 USD lệ phí, bị quốc tế cực chẳng đã phải tước quyền đăng cai giải VĐTG.
Bởi thế, với thể thao Việt Nam, chiến lược chiến thuật, quyết tâm và nỗ lực cao độ về mặt chuyên môn cũng sẽ không bao giờ đủ hay có thể bù đắp cho khó khăn lớn về kinh phí. Bài toán xã hội hóa đang đặt ra gay gắt hơn bao giờ hết với ngành thể thao.
Xét trong bối cảnh ấy mới thấy việc ngành thể thao được ưu tiên nguồn kinh phí riêng (15-20 tỉ đồng/năm) để đầu tư trọng điểm cho các tuyển thủ xuất sắc là quý giá như thế nào. Và ngành thể thao cần phải sử dụng phát huy hiệu quả, hướng tới sự đột phá, thay vì chỉ mang tính “bổ trợ” như ba năm vừa qua.
>>> Nghịch lý kinh phí và đầu tư tài năng thể thao Việt - Kỳ 1: 20 tỷ đồng cho một phần “ngọn”