Gương mặt duy nhất của điền kinh Việt Nam được BTC mời tham gia "cầm cân nảy mực" tại SEA Games 32 là trọng tài Nguyễn Thị Ngọc Ly, giảng viên trường Đại học TDTT Đà Nẵng. Trọng tài Ly sẽ tham gia tổ trọng tài các nội dung ném đẩy. Việc chỉ có duy nhất một trọng tài thực sự là một kết quả quá tệ so với vị thế, thành tích của điền kinh Việt Nam, với ba kỳ SEA Games liên tiếp đứng đầu thành tích vô cùng thuyết phục.
Thậm chí, qua nhiều kỳ SEA Games, Ngọc Ly mới là trọng tài đầu tiên đủ tiêu chuẩn để được BTC mời. Vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu do khâu định hướng và đào tạo, nên đến giờ điền kinh Việt Nam vẫn chưa có nổi một trọng tài quốc tế nào.
Có tổng số 69 trọng tài của 27 môn của thể thao Việt Nam (chưa tính bóng đá) được mời và cử tham gia làm nhiệm vụ tại SEA Games 32. Trong đó, môn đông nhất là Vovinam, "đặc sản" của Việt Nam với 7 trọng tài được giao nhiệm vụ. Lực lượng trọng tài đông đảo này, tiếp tục chứng tỏ vai trò "đầu tàu" của Việt Nam ở môn Vovinam. Tiếp đó là kick boxing với 5 trọng tài.
Đáng chú ý, ở nhóm môn võ vật, vốn luôn thường trực nguy cơ xảy ra các trường hợp tranh cãi, khiếu nại cao, Việt Nam đều có 2-3 đại diện. Ngoài việc tham gia điều hành các cuộc đấu theo đúng luật, điều lệ, họ còn góp phần đảm bảo thế cân bằng trong đội ngũ trọng tài từng môn và sự công bằng cao nhất có thể cho các VĐV Việt Nam.
Ở nhóm môn bóng và tập thể, bóng rổ, bóng bàn, quần vợt mỗi môn Việt Nam cũng chỉ có một trọng tài, đều là những nhân vật kỳ cựu, có kinh nghiệm và uy tín quốc tế, như trọng tài bóng bàn Nguyễn Tiến Hùng. Tuy thành tích của golf Việt Nam hãy còn khiêm tốn, song golf Việt Nam vẫn được mời 3 trọng tài dựa trên đẳng cấp, vị thế cá nhân đã được khẳng định. Ba cũng là số trọng tài bóng chuyền Việt Nam sẽ tác nghiệp trên đất Campuchia, trong đó có trọng tài nữ Nguyễn Thị Thanh Hoa, cựu đội trưởng và chủ công ĐTQG nữ.
Tổng cục TDTT cùng Ban Tổ chức Đại hội sẽ đảm trách toàn bộ chi phí cho 69 trọng tài trong danh sách được mời, cử này.
Trong danh sách các trọng tài Việt Nam tại SEA Games 32, nhóm môn võ – vật chiếm thế áp đảo với 35 đại diện ở 11 môn, gồm Vovinam (7), kick-boxing (5), judo (3), jujitsu (3), karate (3), pencak silat (3), kun khmer (3), arnis (2), taekwondo (2), wushu (2), vật (2).