Nguyễn Văn Trí và Trần Đình Nam chính là hai võ sĩ đã giành hai tấm HCV lịch sử cho pencak silat VN tại Asiad 2018. Trí cũng đang là đương kim vô địch SEA Games, còn Nam giữ vị trí Á quân. Nếu như bình thường, họ sẽ dự tranh SEA Games 30 với tư cách ứng viên sáng giá, phần nào đó chắc thắng ở hạng cân sở trường của mình, trong cuộc đua HCV.
Thế nhưng, ngay từ đầu năm nay, cả hai nhà vô địch Asiad đã phải nhận hung tin hạng cân “tủ” của mình bị nước chủ nhà SEA Games loại ra khỏi chương trình thi đấu. Cụ thể, họ chỉ tổ chức 5 nội dung đối kháng, và đó đều là những hạng cân nhẹ, không có hạng 90-95 kg của Trí hay hạng 70-75kg của Nam.
Có thể thấy mục tiêu rất rõ ràng của việc cắt giảm ở đây là “nhắm” trực tiếp vào những thế mạnh nhất của cường quốc hàng đầu thế giới Việt Nam. Trên lý thuyết, muốn dự giải, Nam phải ép được xuống 10-15kg, còn Trí thậm chí phải ép tới 20-30 kg mới có hạng cân phù hợp. Đây rõ ràng là chuyện không tưởng, và hai ngôi sao này sớm phải xác định tinh thần phải ngồi nhà, làm khán giả bất đắc dĩ tại SEA Games 30.
Cũng kể từ đầu năm, Trí và Nam, đang từ vị thế của hai “tuyển thủ trọng điểm” trở lại đóng một vai phụ ở ĐTQG, chỉ còn trong chờ vào một vài giải quốc tế nhỏ để được thi đấu. Hai võ sĩ tài năng, đang ở đỉnh cao phong độ, coi như mất cả một năm tập luyện “không công” với đủ các thua thiệt, rõ nhất về lương thưởng. Trí và Nam sẽ phải chờ 2 năm nữa mới có thể tái xuất tại SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai khi nội dung của mình chắc chắn được đưa trở lại.
Với trường hợp của Trí và Nam, có lẽ chỉ ở SEA Games và môn pencak silat mới có chuyện nhà đương kim vô địch Asiad không được tham dự với lý do bi hài: hạng cân không được tổ chức.
Tiếp sau hai nhà vô địch pencak silat, tuyển thủ VN còn lại giành HCV Asiad Bùi Thị Thu Thảo mới đây cũng chính thức vắng mặt ở SEA Games 30. Khác với hai đồng nghiệp, “nữ hoàng nhảy xa châu Á” người Hà Nội đã chủ động xin rút lui vì chấn thương chân và lưng dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tập luyện, thi đấu và thành tích. Tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2019 cách đây 2 tháng, Thảo vẫn giành HCV song chỉ đạt thông số 6,37m, kém mức tốt nhất của mình tới 0,31m.
Kể cả nếu cô cố gắng tập luyện, chuẩn bị cũng chưa có gì đảm bảo cho SEA Games, với nguy cơ tái phát chấn thương luôn thường trực. Chưa kể, kỳ phùng địch thủ của Thảo là Maria Londa (Indonesia) đang có sự trở lại vô cùng mạnh mẽ. Tại một số giải quốc tế gần đây, Maria Londa đã luôn đạt và vượt mức tốt nhất 6,68m từng giúp Thảo đoạt HCV SEA Games 2017. Bản thân Thảo cũng muốn nghỉ để tập trung chăm người bố đau yếu, cũng như lo sinh con.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến Thảo quyết định tạm chia tay hố nhảy, còn bởi không có hi vọng gì cho mục tiêu giành quyền dự tranh Olympic, nơi chuẩn môn điền kinh được nâng lên quá cao, với nhảy xa nữ là 6,82. Thu Thảo vắng mặt, cửa tranh HCV ở nội dung nhảy xa nữ cũng mất luôn, khi mà “đàn em” đóng thế Mộng Mơ chỉ có thể tranh chấp tấm HCĐ.
Chuyện cả ba tuyển thủ giành HCV Asiad đều không dự SEA Games, nhất là với trường hợp của hai võ sĩ pencak silat, thực sự là một nghịch cảnh khó tin, và chỉ có ở một sân chơi siêu “dị” như SEA Games.