Ký ức SEA Games 2003: “Búp bê TDDC” 14 tuổi Ngân Thương và tấm HCV lịch sử trên sân nhà

Trần Khánh
thứ năm 10-3-2022 11:00:48 +07:00 0 bình luận
Ở tuổi 14, Đỗ Thị Ngân Thương cùng “những thiên thần nhỏ” của đội thể dục dụng cụ đã giành tấm HCV không tưởng cho thể thao Việt Nam. Đây là chiếc HCV đầu tiên trong số 158 tấm trên sân nhà ở SEA Games 22 vào năm 2003.

Chỉ vài giờ trước khi ngọn đuốc thiêng của SEA Games 2003 bùng cháy (5/12/2003), đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á, 6 thiên thần nhỏ gồm “búp bê” Đỗ Thị Ngân Thương, Phan Hà Thanh, Thùy Dương, Minh Hằng, Phương Thảo và Thùy Linh khiến cả Cung thể thao Quần Ngựa nổ tung khi giành tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở nội dung đồng đội nữ với 124,55 điểm.

Ngân Thương cùng đồng đội đã vượt qua đối thủ từ Singapore với chỉ 0,125 điểm nhiều hơn, đánh dấu tấm HCV lịch sử không chỉ của TDDC nói riêng mà của cả đoàn thể thao Việt Nam nói chung.

Ngân Thương cùng 5 "thiên thần nhỏ" khác tạo nên tấm HCV lịch sử trong lần đầu tiên Việt Nam tổ chức SEA Games. Ảnh: NVCC

Gần 2 thập kỷ sau khoảnh khắc đó, Ngân Thương vẫn nhớ như in cảm xúc, cô hào sảng kể lại khoảnh khắc mang tính lịch sử.

Hồi đó, chúng tôi còn nhỏ, chỉ thấy thầy cô bảo rằng, các em hãy cố gắng làm thế nào phát huy hết khả năng của mình, đừng nghĩ nhiều về huy chương. Thú thật, chỉ cần HCĐ đã rất vinh dự cho bản thân, gia đình và những người yêu mến, ủng hộ mình rồi.

Tuy vậy, chúng tôi giành HCV. Trời ơi! Ai cũng thấy hạnh phúc lắm, cảm xúc như muốn vỡ ào”, phút giây lịch sử đó, như ký ức đẹp trong đời, Ngân Thương “bắt sóng” ngay lập tức khi hồi tưởng.

Theo cựu VĐV TDDC sinh năm 1989, tấm HCV vượt xa ngoài sức tưởng tượng của những cô bé mới tuổi 14, thậm chí Hà Thanh mới chỉ 12 tuổi. Nó hun đúc cho công sức khổ luyện 7 năm dài đằng đẵng ở Trung Quốc.

Chúng tôi ở Trung Quốc 7 năm, rồi khi trở về Việt Nam như những “chú gà công nghiệp”. Từ Trung Quốc về, bạn nào bạn nấy cũng tầm 14 tuổi nên còn ngờ nghệch lắm, chưa hiểu trên vai của mình có những trọng trách lớn hay SEA Games vĩ đại như thế nào trong cuộc đời của chúng tôi.

Tuổi 14, chúng tôi chỉ biết tập luyện, thi đấu, học vì ăn uống đã có người lo, không biết gì về thế giới bên ngoài. Trước khi tham dự SEA Games, chúng tôi chỉ nghĩ đến tập luyện và thi đấu thật tốt chứ không dám chắc mang huy chương vẻ vang về cho đất nước. 

Và rồi, sau khi thi đấu xong, báo chí viết nhiều về chúng tôi, là những cô gái bé nhỏ đạt được thành tích thì lúc đó mới biết, trời đất ơi, chúng tôi vừa trải qua niềm hạnh phúc không bao giờ diễn tả được”, Ngân Thương cảm thán.

"Búp bê" Ngân Thương giành tổng cộng 7 HCV ở các kỳ tham dự SEA Games. Ảnh: NVCC

Hôm thi đấu đó, không chỉ bố mẹ, người thân, hàng xóm đều kéo đến Cung thể thao Quần Ngựa xem Ngân Thương tranh tài. “Búp bê” của TDDC Việt Nam nhớ lại: “Hồi đó còn nhỏ, tất nhiên chúng tôi bị tâm lý rồi. Lúc tập luyện bình thường, bạn nào cũng phát huy khả năng nhưng ra đấu trường SEA Games, lại ở Việt Nam, nhiều người sẽ đến xem. 

Chúng tôi đứng ở dưới thi đấu, trên khán đài, giọng người thân vọng xuống cố lên Ngân Thương ơi. Tôi run lắm. Thể hiện tốt thì không sao nhưng không tốt, mọi người buồn, sợ nhất là các chuyên gia, thầy cô buồn.

Sau khi thi xong, chúng tôi chưa biết điểm đâu, vẫn trèo lên khán đài ngồi với bố mẹ, bỗng dưng có anh chị nào tiến tới và nói chúng tôi có HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam rồi, thế là đang ngồi trên khán đài, toàn bộ bật dậy chạy xung quanh. Hàng xóm, các thầy cô, bố mẹ ríu rít chúc mừng”.

Chưa dừng lại ở đó, ba ngày sau, Ngân Thương tiếp tục gây sốc khi lần đầu tiên đoạt HCV cá nhân ở nội dung xà lệch. Thậm chí, sau khi đoạt HCV, Ngân Thương cứ ngỡ đó là mơ.

Ngân Thương đang huấn luyện lứa VĐV ở đội TDDC trẻ Quốc gia, những mầm non của TDDC Việt Nam trong tương lai. Ảnh: NVCC

Ở nội dung này, có chị đến từ Malaysia rất mạnh khi chị ấy toàn lấy vàng ở các kỳ SEA Games trước. Thế nên, khi thi xong có HCV, tôi không hiểu vì sao mình lại có thể đạt được thành tích đó.

Đó là niềm hạnh phúc của cô bé tuổi 14 sau khi xa gia đình. Dường như, chúng tôi được ông trời ưu ái. Tất cả mọi hy sinh được bù đắp chứ từ bé xa gia đình, không ở với bố mẹ, có mỗi việc tập luyện. Những tấm huy chương đó xứng đáng với công sức chúng tôi bỏ ra”, Ngân Thương thổ lộ.

“Búp bê” Ngân Thương tiết lộ bí quyết tạo nên khoảnh khắc lịch sử đó. Cô kể: “Các thầy cô không bắt chúng tôi phải đạt thành tích này, thành tích nọ cũng không nói đối thủ là ai.

Thầy cô nói các con hãy tự tin, thể hiện như lúc mình tập luyện, đừng nghĩ phải đoạt HCV hay đối thủ là ai đó. Các thầy cô không đè nặng tâm lý lên đứa trẻ 13, 14 tuổi. Còn chúng tôi chỉ nghĩ, “ôi chúng ta được dự SEA Games rồi”.

Bởi trước đó, năm 2012, chúng tôi về Việt Nam đấu giải tiền SEA Games. Giải này phải thi tốt mới được đi thi SEA Games. Ai cũng lo lắm. Tập bao lâu mới được đi SEA Games, năm nay thi không tốt, năm sau không đi SEA Games thì buồn lắm. Chúng tôi chỉ nghĩ thế thôi”.

Sau khi đoạt HCV, Ngân Thương mới biết, đối thủ từ Malaysia rất giỏi ở môn xà lệch. “Ôi, mình thật là may mắn”, Ngân Thương thốt lên.

Giờ đây, “búp bê” của TDDC Việt Nam đang là HLV trưởng của đội trẻ Quốc gia. Những học trò của Thương chưa đủ tuổi để tham dự SEA Games 2022 trên sân nhà. Nhưng với Thương, cô luôn có cảm xúc đặc biệt.

Sau nhiều năm, SEA Games mới trở lại Việt Nam, cảm xúc lần này khó tả. Dù không còn thi đấu nhưng mình lại lần nữa nhìn các VĐV trẻ thể hiện, chứng minh khả năng.

Đối với những bạn trẻ lần đầu tham dự SEA Games, đây là điều rất may mắn vì chỉ có những VĐV thể thao mới hiểu SEA Games quan trọng như thế nào và lại được tổ chức ngay trên sân nhà. Riêng bản thân, tôi vẫn còn rất bồi hồi, ước gì mình còn trẻ để tham dự kỳ SEA Games này”, Ngân Thương khép lại ký ức đẹp về kỳ SEA Games lịch sử trong đời VĐV cũng như của thể thao Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm