Trước khi đến với SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà Mỹ Đình năm 2003, điền kinh Việt Nam không thể sánh kịp với đối thủ hàng đầu Thái Lan, cùng những quốc gia khác như Philippines, Malaysia hay Indonesia. Trong suốt gần 15 năm trước thời điểm đó, điền kinh mới chỉ giành vỏn vẹn 6 tấm HCV, mà kỳ SEA Games 2001 tổ chức ở Malaysia với 3 tấm HCV đã là một kỳ tích.
Bàn đạp cho cú bứt phá SEA Games 2003
Trước khi đến với SEA Games 22, điền kinh Việt Nam giành được 3 tấm HCV ở Malaysia năm 2011. 2 tấm HCV 800m, 1500m của Phạm Đình Khánh Đoan và HCV nhảy xa của Phạm Thị Thu Lan đã đưa điền kinh Việt Nam lên hạng 5 toàn đoàn, dù còn kém xa đoàn số một Thái Lan với… 22 HCV.
Đó dường như là bước đệm để điền kinh Việt Nam bứt phát trên sân Mỹ Đình 2 năm sau đó. Ở lần đầu tổ chức SEA Games, điền kinh Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nữ VĐV. Trong số 8 HCV thì đã có đến 7 tấm thuộc về các cô gái.
Ngoại trừ HCV và HCB chạy 800m nam của Lê Văn Dương và Nguyễn Đình Cương, các HCV còn lại của điền kinh Việt Nam đều do các cô gái thiết lập. Và ngay trong ngày thi đấu thứ hai của môn điền kinh SEA Games 22 (8/12/2003), một kỳ tích đặc biệt đã xảy ra.
4 HCV trong 3 giờ đồng hồ
Chiều 8/12/2003, Nguyễn Thị Tĩnh đã khiến các khán đài sân Mỹ Đình bùng nổ khi bứt phá mạnh mẽ và bỏ xa các đối thủ để giành HCV nội dung chạy 400m nữ. Thành tích 51 giây 83 (51.83) của cô gái Hà Nội đã phá kỷ lục SEA Games cũ 52.42.
Tĩnh bỏ xa đồng đội Dương Thị Hồng, người giành HCB với thông số 55.32 và Kay Khine Lwin (Myanmar), giành HCĐ với thời gian 55.44. Tĩnh còn giành thêm 2 HCV nữa là chạy 200m và 4x400m nữ, trở thành VĐV điền kinh giành nhiều HCV nhất tại SEA Games 2003.
Sau đó, Nguyễn Lan Anh bùng nổ trên đường chạy 1500m nữ để giành HCV với thành tích 4 phút 19 giây 46 (4:19.46), cũng phá khá sâu kỷ lục cũ 4:21.50. Giành HCB là nhà vô địch SEA Games 2001 Phạm Đình Khánh Đoan với thông số 4:27.73. Giành HCĐ là Oliva Sadi (Indonesia) với thành tích 4:27.74.
Còn tại đường chạy 10.000m, Đoàn Nữ Trúc Vân đã tạo ra một trong những kỷ lục quốc gia dài nhất của điền kinh Việt Nam. Nữ VĐV đoàn Khánh Hòa giành HCV và thiết lập kỷ lục quốc gia 34:48.28, thông số sau đó tồn tại tận 17 năm và được Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) phá tại giải VĐQG 2020 với thành tích 34:08.54. Và kỷ lục này tiếp tục được Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định) phá ở giải VĐQG 2021 với thông số 34:01.59.
Tấm HCV điền kinh ở nội dung khắc nghiệt nhất của nữ là 7 môn phối hợp ghi dấu ấn của Nguyễn Thị Thu Cúc, nữ VĐV quê Cần Thơ đạt 5274 điểm, xếp trên Watcharaporn Masim (Thái Lan, 4925 điểm) và Nguyễn Thị Kim Nhung (Việt Nam, 4673 điểm).
Ký ức không phai
Trong số những VĐV đã giành HCV ngày 8/12/2003, Nguyễn Thị Thu Cúc nhớ lại: “Ở SEA Games 2003, mức độ cạnh tranh không nhiều như kỳ SEA Games sau đó tại Philippines. Nhưng tôi vẫn nhớ như in, đến lúc chạy nội dung cuối cùng cũng không nghĩ là giành HCV đâu. Mọi thứ lúc đó cảm thấy bỡ ngỡ lắm.
Ngay cả đến khi đứng trên bục nhận hương chương, tôi vẫn cứ nghĩ ngẩn ngơ là sao mình mới dự SEA Games đầu trên sân nhà mà đã giành huy chương rồi á?”.
Thu Cúc (sinh 1981) sau đó bảo vệ thành công HCV 7 môn phối hợp tại SEA Games 2005 ở Philippines. Đó là kỳ SEA Games cuối cùng cô tỏa sáng, trước khi dính chấn thương nặng, trải qua những biến cố về hôn nhân, mất mát thành viên trong gia đình… để rồi sớm giải nghệ và trở thành HLV ở tuổi 34.
Sau SEA Games 2003, Lan Anh cũng không còn thi đấu nữa và không còn nhiều người nhớ đến thành tích ấn tượng của cô trên đường chạy 1500m nữ. Nguyễn Thị Tĩnh thì lui về làm công tác bàn giấy ở Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội với chỉ vỏn vẹn khoảng 5 năm đến với điền kinh. Trong khi đó, hiện tại còn rất ít người biết Trúc Vân làm gì sau kỳ tích giành HCV 10.000m nữ năm đó.
Và chỉ đến khi SEA Games 31 sắp lần nữa trở lại Việt Nam vào tháng 5 tới, những ký ức này mới lại ùa về. Có người nhớ, có người quên, nhưng sức nóng trên sân Mỹ Đình những ngày tháng 12 năm 2003 vẫn gợi nhớ một trong những điểm nhấn của điền kinh Việt Nam trên đấu trường thể thao Đông Nam Á.
Từ 14-19/5/2022 tới đây, không khí về ngày hội năm 2003 đó sẽ được tái hiện trên sân vận động Mỹ Đình khi môn điền kinh SEA Games 31 khởi tranh. Với 47 nội dung, điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 15-17 HCV để giữ ngôi nhất toàn đoàn 3 kỳ SEA Games liên tiếp.