Tại SEA Games 22 cách đây 19 năm, điền kinh Việt Nam đã có bước tiến đáng nể khi từ vị trí thứ năm SEA Games 2001 ở Malaysia với vỏn vẹn 3 HCV, nhảy lên hạng nhì toàn đoàn với 8 HCV (15 HCB, 8 HCĐ), xếp sau đoàn Thái Lan (13 HCV, 14 HCB, 12 HCĐ).
Trong thành tích vượt bậc đó, một mình Nguyễn Thị Tĩnh đã đóng góp tới 3 tấm HCV, gồm 2 cá nhân và một tiếp sức. Cô gái đoàn Hà Nội ngày đó đã trở thành một trong những VĐV xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games đầu tiên mà Việt Nam tổ chức.
Nguyễn Thị Tĩnh sinh năm 1981, lúc đó 22 tuổi và thật bất ngờ khi cô mới chỉ đến với điền kinh được khoảng 4 năm. Cô bắt đầu nổi lên sau Giải điền kinh Vô địch châu Á 2002 diễn ra tại Colombo (Sri Lanka) khi giành tấm HCĐ quý giá ở nội dung chạy 400m nữ với thành tích 54 giây 57 (54.57). Đây được coi là tấm huy chương đầu tiên ở cấp độ châu lục mà điền kinh Việt Nam có được.
Ngay sau đó, Tĩnh được đầu tư trọng điểm để chuẩn bị cho SEA Games 2003 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội). Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22, Nguyễn Thị Tĩnh tham dự 3 nội dung là chạy 200m, 400m và tiếp sức 4x400m nữ.
Ở nội dung chạy 400m sở trường, Nguyễn Thị Tĩnh đã tạo ra một màn trình diễn vô đối, áp đảo các đối thủ để giành HCV rất ấn tượng. Với những bước chạy thần tốc như sơn dương, cô gái Hà Nội đã cán đích với thành tích 51.83, tốt hơn thông số HCĐ châu Á 2002 trước đó tới gần… 3 giây. Cô đã đánh bại đồng hương Dương Thị Hồng (55.32) và Kay Khine Lwin (Myanmar, 55.44) với khoảng cách rất cách biệt.
Đến nội dung 200m, Nguyễn Thị Tĩnh cũng gây bất ngờ lớn khi hạ cặp VĐV Thái Lan Jutama Tawoncharoen (23.49) và Orranut Klomdee (23.66) để giành HCV với thành tích 23.19. Ngày ấy, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương mới chỉ 17 tuổi và lần đầu giành HCĐ SEA Games nội dung chạy 100m với thành tích 11.59.
Còn ở nội dung 4x400m tiếp sức nữ, Nguyễn Thị Tĩnh cùng các đồng đội Dương Thị Hồng Hạnh, Vũ Thị Hương và Nguyễn Thị Nụ đã vượt qua đội nữ Myanmar và Thái Lan để giành HCV với thành tích 3 phút 38 giây 06 (3:38.06), hơn các đội đối thủ trên... 5 giây.
Với kỳ tích giành 3/8 HCV của điền kinh Việt Nam SEA Games 22, Nguyễn Thị Tĩnh đã được bầu chọn là Vận động viên Việt Nam tiêu biểu năm 2003, đánh dấu mốc son lẫy lừng trong sự nghiệp điền kinh ngắn ngủi của cô gái này.
Sau SEA Games 2003, Nguyễn Thị Tĩnh bất ngờ chia tay đường chạy chuyên nghiệp trước SEA Games 2005 ở Philippines. Ít người biết được rằng, ngay trước khi lập thành tích xuất sắc ở SEA Games 22, cô đã phải trải qua những chấn thương tưởng chừng phải bỏ cuộc.
Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia thời điểm đó, cộng với sự động viên và chăm sóc đặc biệt từ Nguyễn Văn Phúc, một nam VĐV cũng tập cự ly 400m, bạn trai lúc đó và sau này là chồng của Tính, mà cô đã đủ lực để tranh tài ở SEA Games 2003 và mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Nguyễn Thị Tĩnh từng chia sẻ: “'Chạy 400m là nội dung khổ sai bởi người ta phải chạy hết tốc lực trong một đoạn dài gấp 4 lần cự ly 100m. Vì thế, để theo đuổi được nó đến cùng không phải chuyện đùa. Tôi là con nhà lao động nên không thấy đó là cực hình nhưng quả tình để giành được HCV SEA Games, tôi đã đổ rất nhiều mồ hôi và cả nước mắt nữa.
Tôi đã từng phải trả giá về sự thiếu kinh nghiệm của mình ở SEA Games 21 khi đã làm hỏng kế hoạch của các HLV vì không biết phân phối sức hợp lý, dẫn đến mất huy chương. Tôi không để bài học đắt giá đó lặp lại ở SEA Games 22. Thực hiện đấu pháp đúng đã giúp tôi giành thắng lợi…”.
Chỉ trong vỏn vẹn khoảng 5 năm theo đuổi điền kinh, Nguyễn Thị Tĩnh đã để lại dấu ấn cá nhân không quên ở kỳ SEA Games đầu tiên Việt Nam tổ chức. Cô đã phải đấu tranh tinh thần rất nhiều trước quyết định giã từ sự nghiệp khi đối mặt với chấn thương xơ gót chân kéo dài để đến với công việc bàn giấy ở Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội sau đó.
Tháng 5/20202 tới, sau gần hai thập kỷ, Việt Nam mới lại đăng cai SEA Games. Và môn điền kinh SEA Games 31 cũng sẽ diễn ra trên sân Mỹ Đình từ 14-19/5/2022 được đặt nhiều kỳ vọng vào lứa những VĐV chạy 400m xuất sắc những năm gần đây như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc.
Điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành 15-17 HCV trên tổng số 47 nội dung để tiếp tục thống trị vị trí số một điền kinh Đông Nam Á ở 2 kỳ SEA Games gần đây nhất.