Manila vốn là thủ đô có mật độ dân số "dày" nhất nhì thế giới. Đây cũng là nơi có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Ở trung tâm thủ đô thuộc khu vực Malate, Makati hay Metro Manila là những tòa nhà chọc trời, lộng lẫy. Nhưng bên cạnh đó Manila cũng được biết đến là trung tâm của... những khu ổ chuột (Slum).
Năm 2000, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính có tổng cộng 3.4 triệu người sống ở các khu ổ chuột của thủ đô Manila. Còn theo thống kê mới nhất từ Borgenproject.org, có 35% dân số ở Manila sống bấp bênh, nghèo khổ trong những khu ổ chuột.
Khi hơi thở SEA Games 30 đang phả ra nóng lên từng ngày cũng là lúc nhiều nơi ở Manila vẫn ngột ngạt với cuộc sống hiện tại, nhất là các khu ổ chuột. Philippines là một trong những nơi có nhiều khu ổ chuột trên thế giới. Sự phát triển này đến nỗi, các công ty du lịch mở các tuyến tham quan khu ổ chuột độc nhất vô nhị; chẳng hạn như ở Tondo; khu ổ chuột Basecp, hay khu Manila North Cemetary - nơi người nghèo sống chung với.... người chết.
Tuy nhiên, chúng tôi quyết định tự tìm đến Tondo, khu vực nằm ở rìa Metro Manila, là nơi có nhiều khu ổ chuột nhất ở Philippines, dù trước đó nhận nhiều cảnh báo về nạn móc túi, cướp giật… Tất cả là để cảm nhận cuộc sống nơi đây giữa dòng chảy hối hả trước ngày khai mạc sự kiện thể thao xa xỉ nhất khu vực, SEA Games 30.
Lời cảnh báo từ lái xe
Chúng tôi xuất phát từ con phố Chino Roces thuộc Makati, Manila. Để đến khu ổ chuột vùng Tondo, chúng tôi phải đặt grab đến Tondo Sports Complex với quãng đường 13km và hy vọng sẽ dò tìm được nhiều thông tin.
Theo số liệu thống kê năm 2015, Tondo có diện tích 8.65 km vuông với dân số lên tới 631,363 người. Mật độ dân số ở đây là… 73,000 người/km vuông. Đây chính là khu vực có mật độ dân số đông bậc nhất thế giới.
Trên hành trình, xuôi theo hướng bắc, tài xế Pedrito Andalleon đưa chúng tôi men theo những con đường thẳng tắp của trung tâm Thủ đô Manila với những tòa nhà cao tầng mọc san sát hai bên và phía dưới vô vàn những chiếc xe từ ô tô đến Jeepney hay xe ba bánh khiến tắc đường khủng khiếp.
Bác tài xế Pedrito Andalleon cứ nhích dần từng đoạn. Phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, xe mới dịch chuyển hết 8km ở trung tâm Thủ đô Manila. Hết quãng đường này, các làn xe rộng rãi hiện ra, xe bon bon chạy đến Tondo. Dọc khu vực này, những ngôi nhà cũ kỹ, chật hẹp dần đập ra trước mắt.
Bất chợt, chúng tôi hỏi Pedrito Andalleon có biết khu ổ chuột ở Tondo nằm ở đâu rồi chở đến địa điểm đó, chúng tôi sẽ trả thêm chi phí. Pedrito lắc đầu! Anh bảo: “Tôi chỉ chở đến địa điểm như ở trong grab”.
Thế là, sau hơn 1 tiếng di chuyển, xe đến đúng như địa điểm trên grab song không phải Tondo Sports Complex mà là nhà thờ Santonio. “Hãy cẩn thận!”, Pedrito Andalleon nhắn nhủ rồi nhanh chóng quay đầu xe trở lại Manila khi đã cầm trên tay số tiền 429 peso (tương đương 200 ngàn đồng).
“Cháu đói lắm, cho cháu ít tiền”
Nhà thờ Santonio là địa điểm nổi tiếng ở Tondo. Nơi đây luôn tấp nập người qua lại. Xung quanh nhà thờ là phố xá nhộn nhịp với các hoạt động giao thương hằng ngày. Trước khu vực nhà thờ, nhiều tài xế xe tricycle (3 bánh) bằng xe đạp và xe máy, xe ôm,… đứng đợi hàng dài để chờ khách.
Chúng tôi quanh quẩn các con phố thì bất chợt gặp Marvin B Meru (28 tuổi). Hỏi đường về khu ổ chuột Tondo, với giọng bập bẹ đôi chút tiếng Anh, Marvin B Meru hiểu và chỉ về hướng đông, cách nhà thờ Santonio khoảng 3-4 km.
Ngoài tiếng mẹ đẻ, người Philippines sử dụng phổ biến tiếng Anh. Thế nhưng, có đôi chút linh cảm với cách chỉ đường của Marvin B Meru, chúng tôi tiếp tục tìm đến khu vực trước nhà thờ để dò hỏi.
Lân la một vài người nhưng tất cả đều chỉ bập bẹ đôi ba chữ tiếng Anh, may mắn thay, chúng tôi gặp được Dave. Vừa nhìn ảnh về khu ổ chuột Tondo, Dave nhận ra liền. Anh thắc mắc: “Khu này chỉ ở gần đây thôi, mà vào trong đó để làm gì, cẩn thận kẻo bị mất cắp”.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của người dân nghèo khó ở Philippines”, chúng tôi đáp. Thế là, anh chàng xe ôm 31 tuổi liền ngoắc tay vẫy một tài xế tricycle đến. Người đàn ông này đòi lấy 300 peso (tương đương 150 ngàn đồng) cho một cuốc xe khoảng 3-4km.
Thấy giá khá đắt, chúng tôi từ chối và kiên nhẫn tìm đến tài xế khác. Đi được một lúc, anh chàng tên Jayar (31 tuổi) xuất hiện. Khi đưa bức ảnh về khu ổ chuột, Jayar liền cười và gật đầu. Thế là, chỉ với 50 peso, chúng tôi bước lên xe của Jayar.
Anh chàng người gầy khẳng khiu cầm ghi đông với khủyu tay hướng mặt lên trời, rú ga liên hồi. Xe luồn lách qua các ngã tư với dòng xe container, xe tải, jeepney, tricycle liên hoàn khiến chúng tôi ngồi trên xe bị rung lắc dữ dội và tim như muốn nhảy ra ngoài lồng ngực. Jayar trấn an: “Yên tâm đi, trong kia còn dữ dội hơn thế này nhiều”.
Một câu nói đầy ẩn ý, nhưng đủ khiến chúng tôi lo lắng hơn, nhất là khi với thông tin tra cứu trước đó chúng tôi hiểu Philippines là quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng đạn cao hàng đầu thế giới!
Khi chiếc xe dừng lại ở điểm chúng tôi muốn kiếm tìm, một khu ổ chuột, mới chỉ bước xuống, một đám con nít đã vây tới và nói thứ tiếng Anh bập bẹ. “Cho cháu ít tiền”, chúng tôi xua tay ra giấu không có. Vừa bước vài bước, cũng cậu nhóc đó lẽo đẽo: “Cháu đói lắm”. Một bé gái khác ập vào “How much?” (Bao nhiêu tiền) khi thấy chúng tôi cầm trên tay thiết bị ghi hình…
Đó chính xác là Barangay 93, một trong những ổ chuột - Slum lâu đời nhất ở Tondo, "chào đón" những vị khách vừa đặt chân đến từ trung tâm Manila phồn hoa...
Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố chỉ 16% trẻ em ở các khu ổ chuột có thể tiếp cận với nguồn nước sạch. Tỷ lệ trẻ em đói ăn, suy dinh dưỡng ở các khu ổ chuột cao gấp 3 lần trẻ ở các khu vực khác. |
Còn tiếp...