Hiện tại, Tiểu ban Y tế - Phòng chống Doping do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng ban đã lên phương án - bộ quy tắc chi tiết trước khi đưa ra xét duyệt áp dụng với SEA Games 31.
Dựa trên kinh nghiệm tổ chức các giải đấu thể thao trong nước gần đây, các trường hợp F0 sẽ được tiến hành khoanh vùng, cách ly điều trị và tuyệt đối không dừng thi đấu. Trong đó, vấn đề đón khán giả vào sân, đặc biệt với các môn thu hút sự quan tâm như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh cũng được đề cập.
Ba phương án đón khán giả vào sân theo dõi đang được cân nhắc thực hiện bao gồm: đón khán giả bình thường với số lượng hạn chế (khoảng 50% sức chứa); từ 30-50% lượng khán giả và chỉ không đón khán giả khi tình hình dịch bùng phát dữ dội tại địa phương tổ chức thi đấu.
“Theo chỉ đạo từ các lãnh đạo Chính phủ, nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, cũng như các nước thứ ba (HLV, trọng tài, chuyên gia…), chúng ta hoàn toàn có thể đón khán giả vào sân.
Tuy chưa thể khẳng định có thể đón 100% lượng khán giả, nhưng dựa trên tình hình dịch tại Hà Nội và các địa phương tại thời điểm tổ chức, chúng ta vẫn có thể đón một lượng khán giả phù hợp tới theo dõi.” - Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ.
Trước đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phú, phó trưởng Tiểu ban Y tế và Doping, “Bộ Y tế, Tổng cục TDTT và Tiểu ban Y tế và Doping đã xây dựng các kịch bản, kế hoạch chi tiết phù hợp với các mức độ dịch lường trước.”.
Tất nhiên, các phương án sẽ còn căn cứ vào tình hình thực tế tại Việt Nam cũng như 10 quốc gia khác tại thời điểm diễn ra Đại hội vào tháng 5 tới để phân loại và điều chỉnh phù hợp. Cơ bản các biện pháp phòng chống dịch sẽ áp dụng ở mức cao nhất và các VĐV, thành viên các quốc gia tham dự SEA Games sẽ phải tuân thủ chặt chẽ.