Khai thác “thương hiệu” thể thao Việt - Kỳ 2:  Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và cơ hội lịch sử để lỡ 

Hà Thảo
thứ ba 27-10-2020 15:28:15 +07:00 0 bình luận
Bốn năm sau Olympic Rio, kỳ tích  HCV của Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử thể thao Việt như một cột mốc sáng giá bậc nhất.

Chỉ có điều, xét trên phương hiện “thương hiệu”, biểu tượng mới mang tầm quốc gia đầy sức lan tỏa ấy đã chưa được phát huy, phần nào đó lãng phí vô cùng đáng tiếc. 

Từng là “vua chạy show” bất đắc dĩ 

Còn nhớ viên đạn cuối  ở loạt bắn chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi “bắn” ra HCV cùng kỷ lục Olympic của Hoàng Xuân Vinh rạng sáng 7/8/2016 không chỉ tạo nên một cột mốc lịch sử cho cả một nền thể thao, với hiệu ứng đặc biệt mà còn khiến cuộc sống của siêu xạ thủ hoàn toàn thay đổi.

Khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài tối 14/8, chính  anh cũng phải choáng ngợp trước cả một biển người chào đón. Chỉ trong đúng 1 tuần,  Xuân Vinh trở thành một trong những từ khóa “hot” nhất trên google, kèm theo đó là hàng nghìn tin bài xuất hiện dày đặc  trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Hoàng Xuân Vinh nhận được sự quan tâm vô cùng lớn sau kỳ tích tại Olympic Rio 2016.

Cũng kể từ đó, vị Ðại tá quân đội là nhân vật được săn đón bậc nhất của các sự kiện trong và ngoài lĩnh vực thể thao, đơn giản vì các nhà tổ chức đều muốn có Xuân Vinh để tạo sức hút, sự khác biệt. Nhiều chương trình còn căn cứ vào lịch hoạt động của anh để lên kế hoạch, thậm chí sẵn sàng đổi lịch trình miễn sao phải có Xuân Vinh.

Kỷ lục gia Olympic tất bật  “chạy show” còn hơn cả những siêu mẫu, danh ca hàng đầu. Có ngày anh phải tham dự và phát biểu ở ba chương trình, sự kiện khác nhau. Có ngày sáng anh bay vào TP HCM rồi trưa lại bay ra Hà Nội để góp mặt ở hai cuộc. Dù khéo léo và kiên quyết từ chối rất nhiều, chỉ ưu tiên những sự kiện thực sự cần thiết song đến giờ số sự kiện lớn nhỏ mà anh góp mặt lên tới hàng trăm. Từ rước đuốc tại lễ khai mạc Ðại hội Thể thao Bãi biển châu Á, giao lưu với các xạ thủ trẻ, làm giám khảo ở “Bài hát tôi yêu” trên truyền hình hay nói chuyện với các bạn trẻ của một doanh nghiệp viễn thông quốc gia.

Chiếc HCV Olympic cũng đã giúp Hoàng Xuân Vinh được trao giải VĐV xuất sắc nhất Cúp Chiến thắng 2016.

Khi đó, với tính cách đặc thù của dân bắn súng, lại sau cả một năm gồng mình gắng sức tập luyện thi đấu, Xuân Vinh không hề muốn phải “chạy show” và “lên sóng” liên tiếp như thế. Tuy nhiên, anh cũng hiểu rằng, mình cũng phải cố vì đây cũng là cách mà anh quảng bá cho bắn súng và thể thao, cũng như góp phần truyền cảm hứng tới mọi người.

Bản thân Xuân Vinh cũng có ý thức sâu sắc về trọng trách đặc biệt  của mình.  Anh đã đứng ra lập một quỹ từ thiện mang tên “Vinh quang và sự biết ơn” với phần đóng góp riêng 220 triệu đồng, đồng thời vận động các nhà hảo tâm, nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó là chương trình “Nồi cháo nhân ái” trong thời gian 1 năm, trên địa bàn cả nước, bắt đầu từ Quảng Trị, quê hương của anh. 

Ngay sau “cơn sốt” là sự lãng phí 

Thế nhưng, ngay trong khoảng thời gian cao điểm gắn với “cơn sốt” Hoàng Xuân Vinh, người ta cũng chỉ thấy anh liên tục xuất hiện tại các sự kiện thời sự lớn nhỏ của ngành thể thao, các hoạt động sự vụ theo kiểu “ăn theo” của nhiều doanh nghiệp. Anh còn tham gia quảng bá cho một hãng bia hay thậm chí một nhà hàng. 

Trong khi đó, nếu ở nơi khác, với một chiến lược và sách lược vinh danh và phát huy bài bản, người hùng Xuân Vinh đã có thể gắn với những doanh nghiệp nghìn tỉ hùng mạnh, hay những chương trình quốc gia để truyền cảm hứng cho niềm tự hào và khát vọng vươn cao, kích cầu cho phong trào tập luyện thể dục thể thao, lan tỏa từ giá trị thể thao sang giá trị thương mại… Ở một phương diện hẹp hơn, từ kỳ tích và cú đột phá mang tên Xuân Vinh chí ít cũng có thể góp phần giúp môn bắn súng, và phần nào đó cả nền thể thao vượt lên giải quyết những khó khăn triền miên về cơ sở vật chất, kinh phí, thúc đẩy xã hội hóa. 

Đáng tiếc khi đằng sau Hoàng Xuân Vinh không có chiến lược, sách lược bài bản để phát huy "thương hiệu" của anh.

Và ngay sau “cơn sốt” đỉnh cao trong một thời gian ngắn ấy là một sự lãng phí. Không có chiến lược và sách lược nào để khai phá “thương hiệu” Xuân Vinh. Chính xác hơn, những người có trách nhiệm chưa từng đặt ra vấn đề ấy, như đáng ra phải thế. Cơ hội có một không hai để nâng tầm nhà vô địch Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam thành một “thương hiệu”, thậm chí “thương hiệu” tầm quốc gia đã bị bỏ lỡ vô cùng đáng tiếc. Nhất là khi “thời điểm Vàng” đã trôi qua, và xạ thủ Quân đội không còn giữ được phong độ, thành tích của mình. 

Xuân Vinh và Tiến Minh. Quang Liêm và Ánh Viên. Hay mới nhất là Đội tuyển bóng đá U.23 với hành trình kỳ diệu tại giải U.23 châu Á. Rõ ràng câu chuyện khai thác “thương hiệu” của thể thao Việt Nam không thể khác một khi những ngôi sao, thậm chí đã vươn ra thế giới, chỉ tập luyện và thi đấu. Chính họ cũng cần phải thay đổi. Tuy nhiên, để những ngôi sao thoát khỏi nghịch cảnh số 0 về giá trị thương hiệu, trước hết cần một bước đột phá về xã hội hóa của ngành thể thao, của những người làm thể thao hay liên quan đến thể thao, đang bó buộc trong lối mòn chuyên môn và nặng tính bao cấp.

Và sự thay đổi, cần phải bắt đầu từ nhận thức, tư duy mới, gắn với sự tổng kết, nghiên cứu khoa học, chuyên nghiệp về cả lý luận và thực tiễn. 

Kỳ 1 - Khai thác "thương hiệu" ở thể thao Việt: Nếu ở Malaysia, Tiến Minh đã là triệu phú đô la “khủng”

Đón đọc kỳ 3: Từ đề tài khoa học công nghệ chuyên biệt đầu tiên 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm