Kết thúc tháng 9 vừa qua, Giải vô địch Ju-jitsu toàn quốc lần thứ nhất năm 2019, do Hà Nội đăng cai, đã khép lại tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức với sự góp mặt của hơn 200 võ sĩ thuộc 14 đơn vị. Không chỉ là dịp để các vận động viên giao lưu, học hỏi, nâng cao kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, kỹ chiến thuật, bản lĩnh và tinh thần thi đấu, kết quả giải đấu còn là căn cứ để tuyển chọn vận động viên xuất sắc vào đội tuyển quốc gia, chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 30 vào tháng 12/2019.
"So với Giải Vô địch các Câu lạc bộ Ju-jitsu toàn quốc 6 tháng trước, các đơn vị đã có sự chuẩn bị tốt hơn rất nhiều, cả về thể lực lẫn chuyên môn; nên mặc dù số lượng các vận động viên tham gia giảm nhưng chất lượng của các trận đấu đã tăng lên rất nhiều. Nhờ đó, sự cạnh tranh trong các trận đấu cũng rất cao," Chị Cao Hoài Hương, HLV của Dog Brothers VN, một trong những người đồng hành rất sát sao với các VĐV tại Giải vô địch Ju-jitsu toàn quốc lần thứ nhất năm 2019 cho biết.
"Ở mảng No-Gi (thi đấu không mặc võ phục Gi), do đặc trưng của thể thức thi đấu, các võ sĩ không bị kiểm soát nhiều bởi việc nắm Gi nên các trận đấu ở nội dung này có phần gay cấn hơn, tốc độ cũng nhanh hơn các trận đấu có Gi. Những tưởng phần thi No-Gi sẽ tạo ra lợi thế cho các đội mạnh về kỹ thuật Ju-jitsu, nhưng khi vào trận thì những võ sĩ có ưu thế về thể lực, sức mạnh người ta lại nhanh hơn, khỏe hơn, nên nhìn chung ngày thi đấu No-Gi khá là vất vả so với ngày thi đấu có Gi."
Giải vô địch Ju-jitsu toàn quốc lần thứ nhất có 2 thể thức thi đấu là có mặc võ phục (Gi)...
... và không mặc võ phục (No-Gi) (Ảnh: AGOGE - Đặng Anh Tuấn)
Ở Giải vô địch Ju-jitsu toàn quốc lần đầu tiên, Ban tổ chức đã mời 2 trọng tài quốc tế người Thái Lan và 1 trọng tài quốc tế người Hàn Quốc tham gia điều hành giải. Đây là cơ hội để những người làm nghề học hỏi công tác điều hành và nâng cao chuyên môn, chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức SEA Games 31-2021 tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
"Ju-Jitsu tại Việt Nam vẫn còn là một bộ môn mới, nhưng các đơn vị địa phương đã có sự đầu tư chăm sóc, quan tâm ủng hộ đến các võ sĩ của đơn vị mình. Với tốc độ phát triển của Ju-jitsu tại Việt Nam như hiện tại, chuyện một ngày nào đó Ju-jitsu Việt Nam dương danh ở các đấu trường khu vực sẽ không còn xa. Đó cũng sẽ là một điểm nhấn đáng chú ý trên cái bản đồ chung của đấu trường thể thao khu vực, ví dụ như SEA Games tới," Chị Hương nhận xét.
Chị Cao Hoài Hương, một trong những người đồng hành rất sát sao với các VĐV tại Giải vô địch Ju-jitsu toàn quốc lần thứ nhất (Ảnh: AGOGE - Đặng Anh Tuấn)
"Tăng khả năng cạnh tranh" cũng cần được công nhận là một thế mạnh rất đáng kể ở một bộ môn mới toanh được đưa vào SEA Games tháng 12 tới tại Phlippines. So với các bộ môn võ có tính chất lâu đời, truyền thống ở các kỳ SEA Games như Judo, Boxing, Karate,... đã phải nhận sự cạnh tranh rất lớn của các võ sĩ khu vực, môn Ju-jitsu là một đấu trường mới, mở ra rất nhiều cơ hội chưa biết cho thể thao Việt Nam. Với 9 năm môn Ju-Jitsu du nhập và phát triển tại nước ta, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để thử sức mình tại đấu trường khu vực.
"Ngoài việc bổ sung nhân lực cho thể thao nước nhà, tất cả các đơn vị, tất cả mọi người đều đang cố gắng đẩy mạnh phong trào, đẩy mạnh những sân chơi như Giải vô địch Ju-jitsu toàn quốc để phát triển phong trào Ju-jitsu cả nước. Được công chúng theo dõi nhiều hơn thì công cuộc tìm kiếm tài trợ cho võ sĩ cũng dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho các vận động viên an tâm với cuộc sống, an tâm cống hiến hơn nữa," Chị Cao Hoài Hương chia sẻ.