Chiều tối 11/5/2023, ngày thi đấu áp chót của môn điền kinh SEA Games 32 đã diễn ra với nhiều kịch tính. Đoàn Việt Nam có thêm 6 tấm huy chương, gồm 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ để nâng tổng số huy chương tính từ đầu Đại hội lên 35 tấm, trong đó gồm 10 HCV, 18 HCB, 17 HCĐ. Dù giành nhiều huy chương hơn, nhưng điền kinh Việt Nam vẫn tạm xếp sau Thái Lan, đoàn có 23 huy chương, gồm 13 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ.
Điểm nhấn ngày thi đấu hôm nay của đội tuyển điền kinh Việt Nam là tấm HCV chạy 400m rào đầy kịch tính của Nguyễn Thị Huyền khi cô đã bị đối thủ Robyn Brown của Philippines dẫn trước, và chỉ kịp tung ra những bước chạy nước rút thần tốc để cán đích trước một cách… thót tim.
Huyền đạt thông số 56 giây 29 (56.29), tốt hơn 56.41 từng giúp cô giành HCB SEA Games 31 trên sân Mỹ Đình năm ngoái, đồng thời tốt hơn thành tích 56.33 của nhà vô địch Quách Thị Lan. Năm nay, cô gái 2002 Nguyễn Thị Ngọc chính thức được đưa vào thi đấu nội dung 400m rào và giành HCĐ với thành tích 59.09.
HCV thứ hai của ngày đến từ nội dung chạy 800m nữ. Nguyễn Thị Thu Hà và Bùi Thị Ngân đã kế thừa tốt vị trí của các đàn chị Khuất Phương Anh (về nhất SEA Games 31), Đinh Thị Bích (HCV SEA Games 30), để giành HCV, HCB chạy 800m nữ.
Nguyễn Thị Thu Hà bứt tốc tốt để cán đích đầu tiên, giành tấm HCV SEA Games cá nhân đầu tiên trong sự với thành tích 2 phút 08 giây 55 (2:08.55), còn Bùi Thị Ngân có HCB với thông số 2:08.96.
Tấm HCV thứ ba của ngày thuộc về Nguyễn Linh Na khi cô bảo vệ thành công HCV 7 môn phối hợp (heptathlon). Cô gái xinh xắn này giành 5403 điểm sau 7 nội dung, giành tấm HCV SEA Games thứ hai liên tiếp, sau khi lần đầu lên ngôi ở SEA Games 31 trên sân nhà. Trong nội dung chạy 800m cuối cùng, Linh Na không cần vội vàng, chỉ túc tắc về đích là đủ điểm vô địch. Đồng đội của Na là Hoàng Thanh Giang dù về nhất nội dung chạy 800m, nhưng vẫn không đủ điểm (5163 điểm) để lọt vào nhóm giành huy chương.
HCB heptathlon thuộc về Sarah Noveno Dequinan (Philippines, 5369 điểm) còn HCĐ được trao cho Sunisa Khotseemueang (Thái Lan, 5253 điểm).
Hôm nay là một ngày thi đấu không thành công của các nam VĐV. Quách Công Lịch, quán quân nhiều kỳ SEA Games chỉ về hạng 6 nội dung chạy 400m rào sở trường. Đỗ Quốc Luật và Nguyễn Quốc Anh không tận dụng được cơ hội thiếu vắng VĐV nhập tịch Kieran Tuntivate của Thái Lan, để kiếm được huy chương nội dung chạy 10.000m. Luật về hạng 6 còn Quốc Anh về hạng 13/15 VĐV thi đấu.
Với chỉ 10 HCV giành được sau 5 ngày thi đấu, điền kinh Việt Nam dường như khá khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu giành từ 14-18 HCV để tiếp tục vượt qua Thái Lan ở vị trí nhất toàn đoàn.
Nội dung chạy 800m nam cũng để lại nhiều nuối tiếc khi đương kim vô địch Lương Đức Phước không thể vượt qua VĐV chủ nhà Chhun Bunthorn, nhân tố gây sốc làng điền kinh Đông Nam Á khi giành tấm HCV điền kinh đầu tiên trong lịch sử cho Campuchia.
Bunthorn từng dự SEA Games 31 ở Hà Nội năm ngoái với thông số 1:59.14 (không giành huy chương). Năm nay, anh chàng 30 tuổi này trở thành người hùng Campuchia khi giành HCV đầy cảm xúc với thành tích 1:52.91, thắng thuyết phục Lương Đức Phước (1:53.34). Một sự đáng tiếc lớn khi Phước được đánh giá rất cao ở nội dung này, nhất là khi VĐV nhập tịch Joshua Atkinton của Thái Lan đã bất ngờ bỏ cuộc.
Ngày mai (12/5/2023), điền kinh sẽ khép lại với 7 nội dung chung kết cuối cùng. Các tuyển thủ Việt Nam được đánh giá cao nhất ở nội dung chạy 10.000m nữ, đường đua mà Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Hồng Lệ sẽ góp mặt.
Còn lại, các nội dung chạy ngắn như 100m nam, nữ, ném lao nữ, nhảy cao nam, 4x400m nam… tỷ lệ tranh HCV không cao. Kỳ vọng mong manh được đổ dồn vào 4x400m nữ mà đội Việt Nam đang là đương kim vô địch.
Nhiều khả năng, điền kinh Việt Nam có thể giành thêm 2-3 HCV trong ngày thi đấu cuối cùng và khó tiếp tục giành ngôi nhất toàn đoàn khi Thái Lan đang hơn tới 3 tấm.