“Tiền công hàng ngày các VĐV đã dùng để tiêu hàng tháng rồi nên họ chỉ mong có tiền thưởng SEA Games để dư ra chút lo cho tương lai", Vũ Thị Hương nhắn nhủ.
>> Tú Chinh: Đừng gọi tôi là nữ hoàng điền kinh
>> Đội hình vàng 4x100m VN cho điền kinh Thái Lan "ngửi khói"
Cứ đến mỗi kỳ hậu SEA Games, tiền thưởng luôn là chuyện nóng của làng thể thao Việt Nam. Với những tấm huy chương đạt được, các HLV, VĐV xứng đáng được tưởng thưởng sau bao ngày đổ mồ hôi tập luyện trên thao trường.
“Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương lại làm sôi sục làng thể thao khi nhắc đến chuyện tiền thưởng năm xưa khi cô còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ.
“Cứ mỗi lần SEA Games đến cháu lại háo hức nhớ lại những ngày xưa của mình, các bác biết không? Cháu có một trí nhớ phải gọi là không nên có, cháu thấy vậy vì cháu hay nhớ nhiều nỗi buồn hơn niềm vui. Giống như chiến thắng cháu cũng nhớ nhưng có cái cháu nhớ nhiều hơn, đó là lời các bác hứa. Có bác hứa trước khi cháu đi thi đấu, có bác hứa sau khi cháu chiến thắng. Nào là nếu lần này chiến thắng sẽ có thưởng”, cô viết trên trang cá nhân.
Khoản tiền thưởng không chỉ là nguồn cổ vũ, khích lệ các VĐV, HLV sau những gì họ đã bỏ ra mà còn giúp các VĐV có thêm một khoản giúp đỡ gia đình, đầu tư đi học, tích lũy cho cuộc sống để chuẩn bị sau khi giải nghệ v.v…
Ngoài các khoản thưởng theo qui định nhà nước, các khoản thưởng từ các lãnh đạo hay nhà tài trợ cũng được các VĐV rất quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng nhận được số tiền thưởng mà họ được người khác hứa trao thưởng trong lúc hưng phấn vì thành tích của đội nhà.
“Các nhà tài trợ ở các môn khác hứa mà không đưa thì tôi có nghe. Ở môn điền kinh, một số lãnh đạo hứa thưởng mà không trao đến nay ước tính khoảng 100 triệu đồng từ SEA Games 2007”, Vũ Thị Hương cho biết. Cô cũng chia sẻ khoản thưởng SEA Games lớn nhất mà cô nhận được khoảng 200 triệu đồng.
Ở SEA Games lần này, dù không được xem trực tiếp do ở xa nhưng Vũ Thị Hương vẫn cập nhật tin hàng ngày. Cô cảm thấy mình như được sống trong không khí của SEA Games năm nào bởi một lứa đàn em thi đấu tự tin, khởi sắc và lần đầu vượt qua "kình địch" Thái Lan để lên ngôi số 1 Đông Nam Á. Đặc biệt “nữ hoàng điền kinh" mới Tú Chinh đã đạt thành tích xuất sắc với 3 HCV (100m, 200m và 4x100m), tiệm cận với thành tích của “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương ngay ở lần đầu tham dự SEA Games.
Chia sẻ với Webthethao, Vũ Thị Hương thổ lộ nhiều người trong đó không ít các lãnh đạo hứa thưởng trong lúc ngất ngây men say chiến thắng nhưng rồi sau đó quên bẵng đi, không còn nhớ đến lời hứa nữa. "Tôi chỉ muốn nhắc một số lãnh đạo hãy tỉnh táo khi hứa và đã hứa phải thực hiện vì tương lai các VĐV của mình. Nếu ai đó thấy áy náy và nhớ ra thì dành tiền đấy làm quỹ giúp cho các VĐV khó khăn. Còn nếu không thì thôi, tôi không cần. Vì nếu đã yêu thương nhau thật lòng thì đâu phải để tôi trách như hôm nay".
Theo cựu VĐV từng giành cú đúp HCV 100m, 200m SEA Games, khoản thưởng dành cho các VĐV nên được xét lại và tăng thêm để ngang bằng với một số quốc gia trong khu vực. “Hầu như tiền ăn tiền công hàng ngày các VĐV đã dùng để tiêu hàng tháng rồi. Nên họ chỉ mong có tiền thưởng ở SEA Games để dư ra chút lo cho tương lai”.
Nhìn sang nước láng giềng Campuchia, khoản thưởng dành cho VĐV đoạt HCV khá cao tại SEA Games 29. Mức thưởng theo qui định của UB Olympic Campuchia là 2000 USD, 1000 USD và 500 USD cho 3 loại huy chương (các HLV được thưởng 50% mức thưởng của VĐV). Ngoài ra, UB này thông qua nhà tài trợ còn thưởng 3000 USD cho mỗi HCV cá nhân và 5000 USD cho mỗi HCV tập thể. Chưa kể, với mỗi HCV, nhà tài trợ lại góp thêm 500 USD vào quĩ của UB Olympic.
“Cuộc sống của VĐV vẫn ổn. Tất nhiên ở đâu cũng có 2 mặt cả, cũng do bản thân và do phía ngoài tác động nữa. Nếu mình đã cống hiến hết mình mà không được quan tâm thì dĩ nhiên là do phía lãnh đạo”, cô tâm sự.