Có gì đặc biệt khi Thể thao Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp vượt Thái Lan ở SEA Games?

Sỹ Minh
thứ ba 23-5-2023 10:19:48 +07:00 0 bình luận
Không chỉ bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn SEA Games 32, Thể thao Việt Nam đã ba kỳ Đại hội liên tiếp chiến thắng người Thái và hai trong số đó diễn ra ở “sân trung lập”. 

Kể từ kỳ SEA Games 2003 lần đầu đăng cai và cũng lần đầu bước lên ngôi cao nhất, thể thao Việt Nam đã luôn giữ vững một vị trí trong Top 3 toàn đoàn. Tuy nhiên, so với Thái Lan, Việt Nam vẫn ở thế bám đuổi và thua sút, cả ở cuộc đua thứ hạng toàn đoàn lẫn các môn hàng đầu, rõ nhất với bóng đá nam, bóng chuyền nam nữ, điền kinh, cử tạ.

Người Thái đã thực sự trở thành đối trọng chính, một hình mẫu và động lực để thể thao Việt Nam (TTVN) phấn đấu vươn lên.

Cho đến SEA Games 2017,  qua 7 kỳ Đại hội tính từ 2003, Việt Nam vẫn xếp dưới Thái Lan trên bảng tổng sắp song tình thế và sự đối sánh đã thay đổi  nhiều. Trong đó, SEA Games 2015, đánh dấu một bước bật vượt về chất của thể thao Việt Nam khi có tới 85%  số HCV của Việt Nam (73 HCV) là ở các môn Olympic, hai môn cơ bản nhất điền kinh và bơi đều đạt hai con số (lần lượt 11 và 10 HCV).  

Thể thao Việt Nam không chỉ vượt Thái Lan về tổng số huy chương mà còn cả ở số huy chương nhóm môn Olympic

Việt Nam đã cho Thái Lan ngửi khói ở môn bơi với một khoảng cách xa. Và đến SEA Games 2017, điền kinh cũng lần đầu soán ngôi người Thái đầy ngoạn mục. Để rồi SEA Games 2019, thể thao Việt Nam đã tạo nên một cột mốc mới sau 17 kỳ Đại hội tái hội nhập với thể thao ĐNÁ với chiến tích lần đầu thắng Thái Lan trong cuộc đua ngôi thứ toàn đoàn ở một cuộc đấu trên “sân trung lập”.

Nếu chủ nhà Philippines dễ dàng giành ngôi đầu, thì Việt Nam với màn tăng tốc xuất sắc trong những ngày cuối đã vượt mặt người Thái lên đứng thứ 2 toàn đoàn (98 so với 92 HCV). Việt Nam tiếp tục bỏ xa Thái Lan ở điền kinh, bơi, giành HCV bóng đá nữ và đặc biệt lần đầu sau 60 năm vô địch bóng đá nam.

--->>> Người Thái đã hiểu “30 chưa phải tết” là thế nào và top khoảnh khắc gây xúc động mạnh của TTVN tại SEA Games 32

Bơi Việt Nam đã bỏ xa Thái Lan và chỉ canh tranh ngôi đầu với Singapore

Đến SEA Games 2022 trên sân nhà, với một chương trình thi đấu được đánh giá “chuẩn chưa từng có”, Việt Nam đã giành ngôi nhất toàn đoàn với kỷ lục 205 HCV cùng sự vượt trội về số môn có thành tích đứng đầu, số HCV ở nhóm môn Olympic. Tất nhiên, đây là một kỳ Đại hội mà thể thao Việt Nam đã thắng toàn diện.

SEA Games 2023 do Campuchia đăng cai, giới chuyên môn đều dự báo và chờ đợi về một cuộc “phục thù” của Thái Lan trước Việt Nam cả ở ngôi thứ toàn đoàn cùng hàng loạt môn hàng đầu. Dù vậy, họ đã có thêm một lần thất bại cay đắng. Thể thao Việt Nam đã bảo vệ thành công ngôi đầu trên bảng xếp hạng, với cách biệt 28 tấm HCV so với đối thủ (136 so với 108). Ngoài số HCV ở các môn Olympic ít hơn (56 và 61), điều quan trọng, Thái Lan tiếp tục thua xa Việt Nam ở thành tích của môn bơi, thể dục dụng cụ, thậm chí thua cả cử tạ. Bóng đá Việt Nam vẫn giữ được 1 HCV của nữ, còn Thái Lan không thể đoạt HCV cả nam và nữ ở 3 kỳ Đại hội liên tiếp. Bóng chuyền nam lần thứ hai lại mất huy chương vào tay chính Việt Nam. Có lẽ, họ chỉ có thể an ủi với việc đánh bai Việt Nam, tái chiếm ngôi đầu ở môn “nữ hoàng” điền kinh sau 3 kỳ thua đau. 

Như đánh giá của các nhà lãnh đạo, chuyên gia của cả làng thể thao khu vực, Việt Nam cùng Thái Lan là hai đoàn có thực lực mạnh nhất, toàn diện nhất, phần nào đó vượt hẳn lên, ở đấu trường SEA Games, trong bối cảnh chương trình thi đấu luôn thay đổi, biến động đến phân nửa sau mỗi kỳ Đại hội. Ngoài khả năng tranh chấp thứ hạng, thành tích ở nhóm đầu, thể thao Việt Nam còn có có vị thế và bản sắc riêng, đóng vai trò quan trọng hàng đầu ở thể thao khu vực.

Rõ ràng, nhìn nhận một cách thắng thắn, thất bại ba lần liên tiếp trước Việt Nam trên bảng tổng sắp SEA Games là một kết quả khó nuốt trôi với người Thái. Thể thao Việt Nam đã đủ thế và lực để khiến Thái Lan cũng phải có những điều chỉnh, thay đổi quyết liệt, điển hình như ở điền kinh. 

Thế nhưng cũng phải thừa nhận, dù thắng người Thái cả ba kỳ SEA Games liền, song thể thao Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều về nền tảng và hệ thống phát triển, quy trình phát hiện và đào tạo tài năng, khả năng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa. Việt Nam còn tụt lại một khoảng xa so với người Thái khi bước lên các đấu trường tầm cao như Asian Games hay Olympic. 

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam), giờ đây, thể thao Việt Nam đã cơ bản vượt qua được nỗi ám ảnh Top 3 toàn đoàn. Việt Nam đã tiếp bước Thái Lan vượt hẳn lên ở sân chơi SEA Games. Chỉ có điều, nếp quen đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích trước mắt thì hãy còn đè nặng. Các thành tích ở SEA Games đều có mặt bằng chung thấp, có quá ít tính liên thông cho các đấu trường cao hơn. Vấn đề cốt yếu với thể thao Việt Nam là phải có sự tập trung cao độ cho các môn Olympic và Asian Games, đầu tư thực sự đặc biệt cho những VĐV xuất sắc ở một số môn “mũi nhọn” có thể năng tranh chấp ở tầm châu lục và thế giới.

-->>>> Tỷ lệ đoạt HCV SEA Games 32 của đoàn Thể thao Việt Nam cao gấp rưỡi Thái Lan

Điền kinh là môn mà thể thao Việt Nam và Thái Lan đang so kè quyết liệt

 

-->>> Nhất toàn đoàn SEA Games 32, Thể thao Việt Nam đứng thứ mấy trên BXH vô địch SEA Games trong lịch sử?

Thành tích Việt Nam và Thái Lan ở 3 kỳ SEA Games gần nhất

SEA Games 2019
+Việt Nam: Nhì toàn đoàn, 98 HCV (56 HCV các môn Olympic) 
+Thái Lan, Ba toàn đoàn, 92 HCV (44 HCV các môn Olympic) 
 
SEA Games 2022
+Việt Nam: Nhất toàn đoàn, 205 HCV (119 HCV các môn Olympic)  
+Thái Lan: Nhì toàn đoàn, 92 HCV  

SEA Games 2023
+Việt Nam: Nhất toàn đoàn, 136 HCV (61 HCV các môn Olympic) 
+Thái Lan: Nhì toàn đoàn, 108 HCV (56 HCV các môn Olympic)

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm