Xung quanh vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ SEA Games đã có những chia sẻ thẳng thắn với Webthethao.
“Trên thực tế, đấu trường SEA Games đã luôn diễn tiến theo hai mặt. Mặt tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của thể thao khu vực, thúc đẩy hội nhập trong toàn khu vực không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, SEA Games cũng có những mặt tiêu cực rất rõ ràng, điển hình như chuyện chương trình thi đấu sau mỗi kỳ Đại hội lại biến dạng tới phân nửa hay căn bệnh thành tích thời vụ.
Bởi vậy, vấn đề cốt yếu, như tôi đã từng chia sẻ từ cách đây 15 năm, thể thao Việt Nam không nên phụ thuộc vào vị trí Top 3 toàn đoàn. Chúng ta không thể có đủ nguồn lực, cũng như có sự đầu tư ổn định nếu cứ chạy theo một sân chơi mà qua 2 năm chương trình thi đấu lại thay đổi ghê gớm, hoàn toàn phụ thuộc vào nước chủ nhà như vậy. Thứ hạng chung cũng không phản ánh đúng thực lực, nền tảng của mỗi nền thể thao, cũng như thể thao cả khu vực", chuyên gia Nguyễn Hồng Minh bình luận.
"Vì thế tôi cho rằng thể thao Việt Nam không nhất thiết, hay nói chính xác hơn không cần phải luôn cố gắng để giữ một vị trí trong Top 3 toàn đoàn. Điều quan trọng tại các kỳ SEA Games, chúng ta nên, cần và phải phấn đấu để có thể dẫn đầu ở các môn Olympic.
Kể từ SEA Games 2015, chúng ta đã bắt đầu có những bước chuyển. Chỉ tiếc rằng, tư duy và quán tính cũ vẫn còn rất nặng nên vẫn luôn nhắm tới mục tiêu Top 3. Trong khi đó, giả sử chúng ta có thể không đứng thứ ba, song nếu điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, bóng đá có thể đứng đầu, tạo ra một lực lượng VĐV có đủ trình độ để vững vàng tiến ra châu lục và Olympic, thì thể thao Việt Nam vẫn thành công, và đó sẽ là thành công đích thực".
"Theo tôi, chúng ta không nên kêu ca về chương trình thi đấu hay vấn nạn trọng tài vì nó đã trở thành một căn bệnh cố hữu không thể khắc phục được. Thể thao Việt Nam phải chấp nhận, và đặt ra các mục tiêu khác để tăng cường quan hệ hữu nghị, tập trung cho các VĐV ở các môn Olympic, nhất là VĐV trẻ được thi đua, rèn giũa.
Có thể thấy tấm HCV bóng đá nam là niềm mơ ước của không chỉ những người làm bóng đá, không chỉ của ngành thể thao mà của tất cả những người hâm mộ cả nước lâu nay. Chúng ta đã từng có lần ở rất gần nhưng chưa tận dụng được. Khi đó, dù có tiếc nuối song suy cho cùng, bóng đá Việt Nam đã không hội đủ các yếu tố cần thiết, trước hết về trình độ, để đăng quang".
->>> Vừa xong nhiệm vụ ĐTQG, thầy Park hối hả săn Vàng SEA Games 30
"Ở SEA Games 30, niềm khát khao về một tấm HCV càng được đẩy lên cao độ vì lần này chúng ta thực sự có cơ hội để hiện thực hóa. Thậm chí, như đánh giá chung, đội U.22 phần nào đó đang sáng cửa nhất so với mặt bằng chung.
Ai cũng thấy thầy trò HLV Park Hang Seo đang rất tự tin, quyết tâm, và đang có sự chuẩn bị rất tốt. Nhưng mọi người cũng đều hiểu họ đang phải chịu áp lực lớn như thế nào. Cần phải nói thêm, SEA Games là một đấu trường vô cùng khốc liệt với nhiều đặc thù. Bóng đá Việt Nam hãy còn đó những bài học “nóng”, ví như ở SEA Games 2009.
Bởi vậy, U.22 Việt Nam cần phải luôn giữ được sự tập trung, cân bằng cao độ, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến thuật tranh tài hợp lý cho cả chiến dịch, cũng như từng trận đấu cụ thể”!