SEA Games kỷ lục tỷ lệ các môn Võ thuật
Sẽ không hề quá nếu nói rằng SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5 tới đây là kỳ Đại hội đậm chất Võ thuật bậc nhất trong lịch sử. Chính xác có 12 môn võ được đưa vào chương trình thi đấu gồm: Vovinam, Judo, Taekwondo, Wushu, Vật, Kurash, Boxing, Kickboxing, Karate, Pencak Silat, Muay, Jujitsu. Như vậy, tỷ lệ các môn Võ trên tổng số môn thi đấu lên tới 30% (12/40 môn).
Để so sánh, kỳ SEA Games gần nhất xuất hiện tỷ lệ số môn thi đấu Võ thuật rất cao là ở Myanmar năm 2013. Nhưng Đại hội năm đó cũng chỉ có 10 môn Võ/34 môn thi đấu chính thức, tương đương tỷ lệ 29,4%.
Còn ở kỳ SEA Games gần nhất tại Philippines 2019 dù có 13 môn Võ thì bởi số lượng môn thi đấu lên tới 56, nên tỷ lệ các môn Võ cũng chỉ chiếm 23%.
So với kỳ SEA Games 2013, Đại hội năm nay không có môn võ Kempo, mà thêm 3 môn là Kurash, Kickboxing và Jujitsu. Trong đó riêng hai môn Kickboxing và Jujitsu đều đã có Liên đoàn quốc tế và phong trào, hệ thống thi đấu phát triển rất mạnh.
Còn so với Đại hội 2019, 2 môn bị lược bỏ là Arnis (Võ gậy), Sambo (môn Vật kiểu Nga), trong khi Vovinam được bổ sung.
Nhìn tổng thể, dù đưa vào chương trình thi đấu 12 môn Võ nhưng việc lựa chọn môn thi đã cho thấy rõ quyết tâm của nước chủ nhà Việt Nam cũng như Hội đồng thể thao ĐNÁ, đó là tập trung vào các môn trong hệ thống Olympic (Boxing, Taekwondo, Judo, Vật) và các môn Võ hiện đại đã và đang thu hút nhiều người trên khắp thế giới tham gia tập luyện và thi đấu ở nhiều cấp độ (Karate, Jujitsu, Kickboxing, Muay Thái).
Ngoài ra, yếu tố tinh thần và bản sắc văn hóa của nước chủ nhà và của chung cả Đại hội vẫn được khuyến khích giữ gìn và phát triển với việc một số môn Võ được lựa chọn đưa vào nội dung thi đấu như Vovinam, Pencak Silat hay Wushu.
Điều này hứa hẹn các môn Võ thuật ở SEA Games 31 sẽ mang đến chương trình thi đấu đa dạng, tính cạnh tranh và chất lượng chuyên môn cao, nhất là khi ở một số môn trong hệ thống Olympic như Boxing, Taekwondo hay ở đẳng cấp thế giới như Muay, Karate đã có những VĐV trong khu vực giành huy chương, thứ hạng cao nhất.
Các môn Võ ở SEA Games 31 - "mỏ vàng lịch sử" cho Thể thao Việt Nam?
Với việc chiếm 12/40 môn thi đấu của Đại hội, trong đó một số môn Võ mà đoàn Thể thao Việt Nam luôn chiếm ưu thế "độc tôn" như Vật, Vovinam, Pencak Silat, cơ hội để TTVN giành số lượng lớn HCV ở các môn Võ rất khả quan.
Chẳng nói đâu xa, ở kỳ SEA Games gần nhất trên đất Philippines năm 2019 các VĐV môn Võ đã giành HCV ở 11/13 môn Võ tổ chức, đóng góp tới 42/98 tấm HCV của đoàn TTVN, tương đương 42,8%. Trong đó ĐT Vật khẳng định vị thế Vua khu vực với thành tích ấn tượng 12 HCV/14 nội dung thi đấu.
Không quá khi nói rằng các môn Võ (42 HCV) và Điền kinh (16 HCV) là bệ phóng giúp đoàn TTVN bứt phá ngoạn mục để lần đầu tiên kể từ SEA Games 2009 vươn lên xếp thứ 2 toàn đoàn, và đặc biệt là lần đầu tiên xếp trên Thái Lan kể từ sau Đại hội 2003 tổ chức tại chính Việt Nam.
Năm nay sau gần 2 thập kỷ guồng quay SEA Games trở lại Việt Nam. Việc tái hiện thành tích xếp nhất toàn đoàn như ở Đại hội 2003, và đạt khoảng 140 HCV, là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào tiềm lực, vị thế, lợi thế môn thi đấu cũng như ưu thế chủ nhà.
Vấn đề chỉ là liệu các môn Võ thuật gánh trọng trách giành bao nhiêu tấm HCV và liệu SEA Games năm nay có chứng kiến các môn Võ trở thành "mỏ vàng lịch sử" cho TTVN.
Có một chi tiết thú vị đó là: 42 tấm HCV mà các VĐV môn Võ thuật giành được tại SEA Games 2019 đúng bằng thành tích tại SEA Games 2013 ở Myanmar. Một điểm chung nữa là ở 2 kỳ Seagames này bộ môn Võ đóng góp nhiều HCV nhất chính là môn Vật (12 tấm ở 2019 và 10 tấm ở 2013).
Tại Đại hội tới đây, được biết, với mục tiêu toàn đoàn giành khoảng 140 HCV thì chỉ tiêu cho các môn Võ - cân đối trên số lượng môn thi, phân tích tình hình thực lực chủ quan lẫn khách quan - là phải giành từ 50-60 HCV. "Đây là con số chỉ tiêu khổng lồ và tất nhiên kèm với đó là áp lực cực lớn", một lãnh đạo Tổng cục TDTT chia sẻ.
Rõ ràng, trọng trách giành 50-60 tấm HCV Seagames là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh hơn 2 năm qua vì dịch bệnh căng thẳng, giãn cách xã hội, nhiều giải đấu võ thuật trong nước phải hoãn, hủy, còn việc tập huấn cũng như thi đấu quốc tế gần như đóng băng khiến sự chuẩn bị về chuyên môn cho các VĐV bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy vậy, đã có tín hiệu tích cực từ đầu năm 2022 với việc các biện pháp chống dịch được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, giúp tạo điều kiện để Tổng cục TDTT, các Liên đoàn tổ chức trở lại các giải đấu thể thao nói chung và các giải thi đấu Võ thuật nói riêng.
Các giải thi đấu cấp toàn quốc hoặc vùng miền của các môn Kickboxing, Wushu, Vovinam, Vật, Boxing, Muay, Jujitsu, Karate, Taekwondo... liên tục diễn ra từ đầu tháng 2/2022. Đặc biệt, một số môn đã cử VĐV đi thi đấu các giải châu lục hay thậm chí thế giới, bên cạnh việc tập huấn quốc tế. Như thế, dù sự chuẩn bị có muộn mằn thì vẫn còn hơn không.
Sau cùng, với lợi thế chủ nhà và sự chủ động trong việc lựa chọn môn và số nội dung thi đấu ở từng môn Võ thuật, không phải không có cơ sở cho mục tiêu giành 50-60 HCV.
Tại Seagames lần này, nội dung thi đấu ở môn Vật được điều chỉnh tăng từ 14 ở kỳ Đại hội trước lên con số 16 bộ huy chương. Pencak Silat cũng tăng từ 9 lên 16 nội dung tranh tài, trong khi Vovinam có 15 bộ huy chương, ngang bằng Karate.
Taekwondo có 19 bộ huy chương và các VĐV Wushu sẽ tranh tài ở 21 nội dung. Thậm chí môn Võ hiện đại được ưa chuộng - Kickboxing - sau lần đầu tiên xuất hiện ở Seagames hồi năm 2019 với 8 bộ huy chương thì Đại hội năm nay số nội dung thi đấu được nâng lên 12.
Còn nhớ ở kỳ Đại hội 2019 các võ sỹ Kickboxing Việt Nam bất ngờ bùng nổ giành 4 tấm HCV, vượt chủ nhà Philippines dẫn đầu BXH. Giờ sự kỳ vọng các môn Võ sẽ trở thành "mỏ vàng lịch sử" ở Seagames 31 sẽ không chỉ gửi gắm ở những môn truyền thống như Silat, Wushu, Vật, Vovinam, mà chắc chắn sẽ ở cả những môn mới được du nhập phát triển như Kickboxing hay Kurash. Võ thuật Việt Nam đã sẵn sàng cho một kỳ Seagames lịch sử!