Như tất cả những phóng viên Việt Nam có mặt tại Philippines, điều mà tôi quan tâm nhất là tin tức, kết quả của đội tuyển nước nhà. Tuy nhiên 2 ngày đầu tiên có mặt tại Manila khiến tôi cố gắng tìm câu trả lời: Vì sao bóng rổ tại Philippines lại bạo lực đến vậy?
Những trận đấu tại giải chuyên nghiệp PBA, thậm chí vòng loại FIBA World Cup, đội tuyển Quốc gia Philippines sẵn sàng tẩn cho Australia một trận tơi bời. Quốc gia này cổ xúy bạo lực, con người Philippines hiếu chiến tới vậy sao?
>>>Cầu thủ Philippines tấn công người nhện.
Nhìn lại vụ hỗn chiến giữa Philippines và Australia tại vòng loại FIBA World Cup 2019 diễn ra vào ngày 2/7/2018
Nhưng những suy nghĩ của tôi hoàn toàn biến mất khi trực tiếp trải nghiệm cuộc sống tại đây. Người dân Philippines rất thân thiện, bóng rổ đường phố không nhiều như tôi nghĩ và họ chơi bóng với nhau rất vui vẻ, tính cạnh tranh là không cao, vậy thì bạo lực bắt nguồn từ đâu?
Có mặt tại nhà thi đấu Filoil V Arena, nơi tổ chức bóng rổ 3x3 SEA Games 30, tôi đã cố gắng tiếp cận đội bóng nước chủ nhà để tìm kiếm câu trả lời dù biết rằng rất khó. Khi tôi đề cập vấn đề này, một cầu thủ nước chủ nhà tỏ ra khó chịu: “Nếu tôi trả lời, nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi”. Thật ra với cá nhân tôi không nghĩ vậy, một bài báo Việt Nam liệu có thể đi xa tới mức khiến cho người dân Philippines hay quan chức bóng rổ của họ biết và phẫn nộ?
Với suy nghĩ đó, tôi quay lại đường hầm, tìm kiếm phòng thay đồ vào ngày tiếp theo cũng là ngày thi đấu cuối cùng nội dung 3x3. Tôi nghĩ rằng nếu cầu thủ hôm qua không trả lời, tôi sẽ tìm kiếm một cái tên khác nhưng lần này người cũ chủ động xuất hiện: “Tôi có thể hẹn anh ở một quán cafe, nhưng tôi sẽ nói ngay bây giờ để anh không kịp chuẩn bị, hãy đưa tôi máy ảnh, điện thoại tôi cần đảm bảo anh không thể ghi âm hay ghi hình.”
Tôi không chắc đó là những gì cầu thủ này nói, bởi trong thâm tâm tôi luôn nghĩ rằng vấn đề này chẳng có gì to tát, và câu tiếng Anh pha ngôn ngữ Philippines thực sự rất khó nghe. Khi tôi hỏi lại, anh ta hơi bực tức, lắc đầu nhưng vẫn diễn tả lại kèm hành động. Ngỡ ngàng và bối rối, đó chính là thứ cảm xúc tôi thu lại được. Từng đó thiết bị trên người gồm máy ảnh, ống kính, laptop và điện thoại có giá trị rất lớn, tôi đang ở xứ người và tôi sẽ trao nó cho anh ta để đổi lấy 1 câu chuyện? Không!
Tôi nói rằng không, và điều đó khiến anh ta tự ái, có vẻ anh ta nghĩ trong đầu rằng: “Câu chuyện của tao đáng giá hơn đống đồ này nghìn lần, đã thế thì tao phải cho mày biết”. Anh ta nói rằng hãy ra chỗ an ninh, đồ của tôi sẽ được gửi cho cảnh sát, sau vài giây lưỡng lự, tôi đồng ý.
Sau khi chàng cầu thủ to lớn này và tôi trao đống thiết bị cho cảnh sát, chúng tôi nói chuyện theo một cách nhanh nhất có thể. “Bóng rổ là cả cuộc sống của người dân Philippines, có hàng nghìn giải đấu lớn nhỏ mỗi năm. Sự cạnh tranh là rất lớn, vì thế các cầu thủ đều phải ra sân với mục tiêu hàng đầu là thắng, thắng và thắng.
Áp lực đó khiến người ta trở nên giận dữ. Dần dần nó trở thành thứ cảm xúc tiêu cực mà các cầu thủ luôn giữ trong đầu mỗi khi bước ra sân. Cổ động viên hò reo khi thắng và chửi rủa khi thất bại, vì thế áp lực càng lớn nhất là những trận đấu với đối thủ truyền kiếp.
Nếu thất bại người ta sẽ luôn hỏi bạn: “Vì sao không chơi hết sức, sao không bật lên phòng ngự, không thể để đối phương ghi điểm dễ dàng thế được, mày phải chơi nhiệt huyết lên”.
Khi chơi ở bán chuyên những câu nói đó bạn có thể bỏ qua, nhưng khi chơi chuyên nghiệp, đó giống như một nét văn hóa. Đồng đội, đối phương, cổ động viên, huấn luyện viên đều mong muốn bạn phải như một chiến binh khi ra sân, sẵn sàng va chạm, sẵn sàng giằn một đội bạn. Vì vậy dù muốn hay không thì bạo lực cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Khi có đánh nhau trên sân, cổ động viên luôn ủng hộ chúng tôi phải “xử đẹp” đối phương, họ tôn vinh chúng tôi như người hùng. Tôi không biết nữa, đôi khi chúng tôi muốn đưa cả tinh thần Boxing vào những trận đấu bóng rổ.
Thật ra những án phạt nặng có thể khiến các cầu thủ thay đổi, nhưng các quan chức cũng hiểu rằng họ không thể xoay chuyển cả một văn hóa bóng rổ.
Đó là những câu nói vội vàng mà cầu thủ này nói với tôi, được chắp vá cho dễ hiểu. Sau đó, anh ta ra sân giành chiến thắng mọi trận đấu còn lại để nhận chức vô địch trong tiếng hò reo không ngớt của người hâm mộ Philippines. Thật ra tôi rất mong được chứng kiến đội chủ nhà mất huy chương Vàng bóng rổ tại SEA Games năm nay, để xem người hâm mộ sẽ thay đổi thái độ như thế nào? Tuy nhiên trường hợp đó đương nhiên không trở thành sự thật, bóng rổ Philippines vẫn vô đối tại SEA Games.
Nếu là những quốc gia khác, tôi tin cổ động viên chẳng cần phải cuồng nhiệt quá mức, thắng một đội bóng như Myanmar liệu có khiến người ta phải “phát điên” tới như vậy? Nhưng rõ ràng thứ mà chúng tôi chứng kiến lại trái ngược hoàn toàn, trên các khán đài người dân Philippines dõi theo từng đường bóng, hò reo vang nhà thi đấu sau mỗi cú ném 3 điểm thành công của đội nhà, dù đối thủ của họ chỉ là một đội bóng rất yếu. Vì sao vậy? Có lẽ đối với người dân Philippines đây là môn thể thao đã ăn sâu vào máu, họ cần phải chiến thắng, và khát khao đó đôi khi khiến họ đánh mất lý trí, để rồi những cầu thủ biến thành võ sỹ lúc nào không hay.