Ngay trước thềm SEA Games 30, bóng chuyền nữ Việt Nam đã trải qua một giải đấu cấp khu vực với 6 trận toàn thua, điều chưa từng xảy ra trong suốt 20 năm nay, nhất là với cả các đối thủ vốn luôn thua kém mình.
Đó là giải bóng chuyền ASEAN Grand Prix gồm hai chặng, với 4 đội hàng đầu khu vực Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Không chỉ thất bại dễ dàng trước người Thái 2 trận, Việt Nam đã thua Indonesia và Philippines cả trận lượt đi lẫn lượt về.
Trong đó, lần đầu sau hai thập kỷ, Việt Nam thua Philippines, và đáng nói hơn thua tới hai trận. Đáng nói hơn, những trận thua của thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt trước cả Indonesia lẫn Philippines đều theo cách không có gì để nuối tiếc hay biện hộ.
Màn trình diễn cùng kết quả thảm bại tại ASEAN Grand Prix đã minh chứng tỏ rõ sự tụt hậu của bóng chuyền nữ - môn vốn luôn được xã hội quan tâm, đầu tư bậc nhất của thể thao Việt Nam. Chẳng những ngày càng bị người Thái bỏ xa, Việt Nam còn bị Indonesia qua mặt một cách rõ ràng, trong khi Philippines cũng đuổi kịp.
Chỉ vài năm trước, Indonesia và Philippines luôn là hai đối thủ mà Việt Nam không phải "tính đếm". Rất nhiều điểm yếu cơ bản của ĐTVN bộc lộ, rõ nhất như khả năng bắt bước một yếu kém, không có trụ cột, cùng một lối chơi thiếu mạch lạc và bản sắc.
Việc ngôi sao Nguyễn Thị Ngọc Hoa giải nghệ để lại một khoảng trống quá lớn, mà vẫn chưa có gương mặt và phương án nào có thể thay thế được. Chiều cao lý tưởng của đội, với mức trung bình 1,81m, vượt trội so với các đối thủ trong khu vực, cũng chưa biến thành một lợi thế, đặc biệt với một đội hình hãy còn quá trẻ.
Tại SEA Games 30, khả năng để bóng chuyền nữ Việt Nam hoàn thành mục tiêu tái chiếm ngôi Á quân tại SEA Games 30 từng mất vào tay Indonesia hai năm trước được đánh giá là quá khó. Thậm chí, đội đang đứng trước nguy cơ lần đầu, kể từ SEA Games 2001, văng khỏi nhóm có huy chương, dù cuộc đấu chỉ có 4 đội dự tranh.
Thái Lan rõ ràng vẫn đang ở đẳng cấp trên so với phần còn lại. Indonesia đang bước vào độ “chín” qua nhiều năm đầu tư mạnh mẽ và rèn giũa kỹ lưỡng. Philipines ngoài sự tiến bộ thấy rõ, ưu thế chủ nhà còn bổ sung tới 3 cầu thủ nhập tịch chất lượng cao.
Cùng với quyết tâm nỗ lực cao độ của toàn đội, niềm hi vọng duy nhất để bóng chuyền nữ VN tránh được nguy cơ “tay trắng” tại SEA Games 30 chính là “khủng long” Trần Thị Thanh Thúy, chủ công cao 1,93m đang khoác áo CLB Denso Airybee tại giải VĐQG Nhật Bản.
Nếu Thanh Thúy thi đấu bùng nổ, cô hoàn toàn có thể tạo khác biệt, dẫn dắt các đồng đội làm nên chuyện, chí ít là trước hai đối thủ Indonesia và Philippines. Chỉ có điều, sau một thời gian dài cày ải và từng dính chấn thương, thể lực của Thúy có thể là một nỗi lo. Đội trưởng 22 tuổi cũng chưa bao giờ chứng tỏ sự mạnh mẽ thực sự về tâm lý, bản lĩnh, cũng như năng lực thủ lĩnh của mình.
Bóng chuyền nữ VN từng 8 lần chấp nhận “phận bạc” đứng sau người Thái ở 8 kỳ SEA Games liên tiếp. Hai năm trước, đội lần đầu bị Indonesia qua mặt, ngậm ngùi lần đầu đứng thứ 3. Đến SEA Games 30, ngay cả các nhà quản lý huấn luyện cũng thừa nhận về nguy cơ lần đầu không giành nổi huy chương, sau 18 năm.
Và kể cả nếu Thanh Thúy cùng các đồng đội có vượt khó để thoát thảm cảnh “tay trắng” tại SEA Games 30, bóng chuyền nữ VN rõ ràng vẫn đang tụt hậu ngay ở khu vực, cả về lực lượng lẫn cách làm.