Một ngày cuối tháng 4, từ trung tâm thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), chúng tôi bắt chuyến xe bus về UBND thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy). Từ quốc lộ 1A vào đến trụ sở UBND thị trấn, đường được rải nhựa phẳng phiu, khác với đường đá sỏi, gập ghềnh cách đây 7 năm.
Xe dừng gần cổng UBND thị trấn, vừa bước xuống, cơn gió Lào táp thẳng vào mặt, rát bở cả người. Ở Kiến Giang, thật khó để bắt taxi hay xe ôm. Thế là, chúng tôi cuốc bộ một đoạn, qua cầu Phong Liên, hỏi han mấy người trạc 30 tuổi địa chỉ nhà cố kình ngư Trần Xuân Hiền, tất cả đều lắc đầu.
Đến ngã ba gần cầu, gặp chú Tiến (trạc 60 tuổi), vừa mở lời, chú chỉ vanh vách đường đến nhà ở xóm 2, Hà Cạn, Thượng Phong, Phong Thủy (huyện Lệ Thủy). Vừa đến nơi, một phụ nữ trên 60 tuổi ra tiếp.
Ngỡ ngàng! Đó là cảm giác khi chúng tôi gặp lại bà Mai Thị Lan, mẹ cố kình ngư Trần Xuân Hiền. Cách đây 7 năm, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà, thời đó, sau cú sốc của con trai, bà già hẳn, người tiều tụy và khóc cạn khô nước mắt. Giờ đây, bà Lan đã phần nào vượt qua nỗi đau.
Gia đình bà có truyền thống chơi thể thao. Chồng bà Lan từng là tay bơi cừ khôi bậc nhất xứ Bình Trị Thiên nhưng lại chọn chơi bóng chuyền. Bà cũng là VĐV môn đua thuyền của tỉnh. Sau anh Hiền, hai người em cũng chọn theo nghiệp bơi lội.
Cô út từng có gần hai năm tập luyện tại Đà Nẵng, được chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao nhưng rồi cũng nghỉ ngang. Em trai anh Hiền, anh Trần Xuân Hậu (sinh năm 1987) từng theo nghiệp bơi lặn.
Anh Hậu kể: “Năm 2002, tôi được chọn vào lứa đầu của Trung tâm TTQG III tại Đà Nẵng. Thời đó, tôi vào cùng Nguyễn Hữu Việt”. Anh Hậu được chuyên gia nước ngoài đánh giá cao, có thể phát triển ở môn bơi.
Thế nhưng, chỉ thời gian ngắn, Hậu bị gãy tay và gián đoạn một thời gian. Sau đó, anh chuyển sang môn lặn. Ấy thế, cuộc đời như trêu ngươi, Hậu bị gãy tay thêm một lần nữa và quyết định giã từ sự nghiệp vào năm 2007.
Anh nam tiến, sống gần với anh trai. Thế nhưng, tai họa ập xuống vào năm 2013. Cố VĐV bơi lội Trần Xuân Hiền bị tai nạn qua đời. Chứng kiến thời khắc đó, Hậu ám ảnh đến tận bây giờ.
“Tôi không dám đi xe đường xa, cả từ Kiến Giang lên Đồng Hới khoảng 40km, cũng đi xe bus chứ không dám đi xe máy. Tôi chỉ loanh quanh đi trong khu vực huyện”, ông bố của hai đứa trẻ không kìm xúc cảm, ánh mắt rưng rưng khi nhắc về quá khứ.
Anh Hậu có hai người con, đứa lớn học lớp 6, cao đến 1m65, đứa nhỏ mới 4 tuổi. “Bé đầu có dáng bơi đẹp lắm, nhất là bơi bướm. Còn đứa con trai thì 3 tuổi nhảy tỏm xuống sông là bơi, không cần phải tập nhiều”, anh Hậu chia sẻ.
Hai con gái cố VĐV Trần Xuân Hiền đang ở Hà Nội cùng mẹ. Cả hai đều có vóc dáng to cao, đúng chuẩn con nhà thể thao. “Chỉ cho tụi nhỏ bơi cho vui thôi chứ chưa bao giờ nghĩ cho chúng nó theo nghiệp thể thao. Bạc quá!”, anh Hậu ghìm giọng.
Với anh cùng gia đình, những gì đã xảy ra trong quá khứ là vết thương lòng khó phai. Nó đau đớn, xót xa và là vết hằn từ quá khứ vắt qua hiện tại, kéo dài cho đến tương lai. Thế nhưng, trong ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ đó, có một góc tủ luôn đẹp mãi với thời gian.
Một cái tủ chén đựng huy chương, cúp cùng những tấm ảnh đã úa màu của cố VĐV Trần Xuân Hiền. Cái tủ đó, được dựng một góc trong nhà, không ánh đèn. Lật dở trong hàng chục tấm huy chương là tấm huy chương bạc đầy danh giá của bơi lội Việt Nam tại SEA Games 2001 ở Kuala Lumpur. Ngày đó, cố VĐV Trần Xuân Hiền ghi danh vào lịch sử khi trở thành VĐV bơi lội đầu tiên giành một tấm huy chương SEA Games.
Hơn 20 năm sau, tấm huy chương đã loang lổ phần nào vì vết mờ thời gian nhưng vẫn sáng lấp lánh giữa khoảng tối trong căn nhà tuềnh toàng. Ở đợt lũ lịch sử năm 2020, anh Hậu lần đầu tiên trong hơn 30 năm cuộc đời chứng kiến sự tàn khốc của thiên tai.
“Lũ lên nhanh quá, vừa kịp kê dọn thì nước đã lên. Tôi chỉ kịp cất dọn các giấy tờ quan trọng, đưa người nhà đến nhà hàng xóm cao tầng. Ở trong nhà cố thủ nhưng khi nước đến gần cửa chính, đành phải thả cả tủ lạnh, máy giặt, xe máy ngập ngụa giữa dòng nước lũ”, anh Hậu kể lại.
Và ở đó, tủ huy chương cũng chìm dần vào dòng nước bạc. Khi nước lũ rút, chiếc tủ đã đóng một lớp bùn dày. Tất cả đều úa màu. “Tôi phải kỳ cọ, rửa thật kỹ mấy lần vì bùn đóng lớp. Đó là vật kỷ niệm thiêng liêng của anh trai”, Hậu trầm lại.
Anh nâng niu như báu vật của gia đình bởi tấm huy chương đó là dấu mốc lịch sử của bơi lội Việt Nam cũng là kỷ niệm đẹp với cố VĐV Trần Xuân Hiền.
Sau trận lũ kinh hoàng đó, người dân Lệ Thủy tích cóp xây nhà cao tầng. Với anh Hậu, ba thế hệ vẫn sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ. Và cứ thế, mỗi khi nước lũ lên, đành đứt đoạn nương nhờ nhà hàng xóm.
Chia tay gia đình lúc mặt trời lên đỉnh đầu, anh Hậu chở chúng tôi trên con xe máy cũ kỹ với chiếc yên xe chằng chịt vết vá. Anh chở dọc sông Kiến Giang, nơi sản sinh ra cố VĐV Trần Xuân Hiền và cũng là nơi nuôi dưỡng bao thế hệ VĐV cho bơi lội Việt Nam. Ở đó, dòng sông vẫn hiền hòa ôm tuổi thơ của những đứa trẻ nơi đây và cũng mang đến kỷ niệm gắn với cuộc đời của gia đình Hậu.
Sông Kiến Giang êm đềm, phẳng lặng nhưng có lúc dữ dội, cuốn phăng mọi thứ với dòng lũ dữ. Trong căn nhà bên bờ sông Kiến Giang đó, chất chứa tấm huy chương đẹp bậc nhất trong lịch sử bơi lội Việt Nam ở SEA Games.