Với 5 VĐV dính doping bị tước huy chương vừa công bố, thể thao Việt Nam mất 4 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ trong bảng tổng sắp SEA Games 31. Tuy nhiên, có 2 HCV được trao lại cho chính VĐV Việt Nam.
Theo công bố tại cuộc họp của Hội đồng Liên đoàn Thể tthao Đông Nam Á vào hôm qua 4-5, có 10 trường hợp dương tính với chất bị cấm tại SEA Games 31, trong đó có 5 VĐV của Việt Nam, đều ở môn điền kinh gồm Quách Thị Lan (HCV 400m rào, HCV tiếp sức 4x400m, HCĐ 400m), Khuất Phương Anh (HCV 800m, HCB 1.500m), Vũ Ngọc Hà (HCV nhảy xa, HCB nhảy 3 bước), Hoàng Thị Ngọc (HCV tiếp sức 4x400m), Lê Ngọc Phúc (HCB 400m, HCB tiếp sức 4x400m).
Ngoài án phạt cấm thi đấu theo quy định quốc tế, các VĐV cũng sẽ bị tước các thành tích giành được tại SEA Games 31, cụ thể là 4 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ.
Như vậy, thành tích của điền kinh Việt Nam từ 22 HCV, 14 HCB, 8 HCĐ sẽ giảm xuống chỉ còn 18 HCV, 10 HCB, 7 HCĐ.
Nhưng theo quy định, các VĐV xếp dưới sẽ được “đôn” lên nhận huy chương của các VĐV bị tước. Điền kinh Việt Nam sẽ vẫn giữ được 2 HCV, do có hai nội dung VĐV đoạt HCB đều của Việt Nam, Nguyễn Thị Huyền (400m rào) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ). Như vậy trên bảng tổng sắp thành tích của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 là 20 HCV, 10 HCB, 7 HCĐ.
Tính cả đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, bảng tổng sắp thành tích sẽ là 203 HCV, 116 HCB, 114 HCĐ.
Ngôi vị đứng đầu của điền kinh Việt Nam và đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 không bị ảnh hưởng gì bởi 5 trường hợp dính doping, bị tước huy chương, do thành tích vượt xa đoàn xếp sau.
Dù vậy, uy tín và vị thế quốc tế của thể thao Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng, nhất là khi ngành thể thao đã tham gia Công ước Copenhagen về phòng chống doping trong hoạt động thể thao từ 2003.
19 năm, 21 VĐV dính doping
Thêm 5 VĐV điền kinh dính doping tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam đã có tổng cộng 21 VĐV bị phát hiện dương tính với các chất bị cấm. Con số này chưa tính các ca nghi vấn và chưa được công bố ở hai môn thể hình, cử tạ tại Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022.
Điền kinh đang là môn có nhiều VĐV dính nhất, với 7 trường hợp ( 2 tại SEA Games 2003, 5 tại SEA Games 2022). Các môn khác từng có “vết đen” gồm cử tạ (6 trường hợp), thể hình (2), lặn (2), canoeing (1), boxing (1), thể dục dụng cụ (1), futsal (1).
-->> Những kỳ vọng vàng điền kinh Việt Nam SEA Games 32 - Kỳ 4: Cú ăn ba kỷ lục của Nguyễn Thị Oanh?