Để đem vinh quang về cho thể thao Việt Nam, tuyển thủ nào mà chẳng có hy sinh, ngay cả những người không bước được lên bục chiến thắng. Lấy ví dụ như cử tạ, chưa cần tới thi đấu mà chỉ qua mỗi lần cử trong tập luyện, cơ thể lực sĩ đều chịu ảnh hưởng ít nhiều. Thế nhưng, nếu bàn về mức độ hy sinh, thật khó tìm được ai hơn Nguyễn Thị Ánh Viên.
Thật ra thì bấy lâu nay, khi nhắc tới Tiểu tiên cá, hầu hết đều nhẩm tính ngay đến số HCV qua từng SEA Games. Tại SEA Games 2015, cô bé Cần Thơ tạo địa chấn với 8 HCV. Hai năm sau ở Malaysia, Ánh Viên lặp lại kỳ tích 8 HCV đó.
Lần này ở Philippines 2019, Ánh Viên vẫn là tuyển thủ đoạt nhiều HCV nhất Đại hội, dù con số 6 ắt hẳn đã khiến một vài người cho rằng đây là một thất bại. Tuy nhiên, hãy nhìn thẳng vào sự thật: Trong các kỳ SEA Games có Ánh Viên tham dự, thử điểm danh có tuyển thủ Việt Nam nào giành được nhiều hơn 3 HCV SEA Games hay không?
Thậm chí, cống hiến của Nguyễn Thị Ánh Viên rõ ràng là khổng lồ và khó tưởng tượng nổi. Không kể 2 HCB ở lần đầu dự SEA Games 2011 lúc mới 15 tuổi, Anh Viên đã giành 25 HCV, 7 HCB và 2 HCĐ ở 4 SEA Games sau đó.
Trong 34 huy chương đó - bình quân mỗi SEA Games có khoảng 9 lần Ánh Viên bước lên bục chiến thắng, số HCV của Tiểu tiên cá thậm chí cao gần gấp 3 lần các huy chương khác, và gần 75% tổng số huy chương cô đem về cho thể thao Việt Nam. Hiệu quả thật trên cả tuyệt vời.
Không dừng lại ở đó, Anh Viên còn xứng đáng được ghi nhận như tuyển thủ có công cứu thua cho thể thao nước nhà ở Đại hội Đông Nam Á. Đúng là hơi có phần miễn cưỡng khi cho rằng 6 HCV của Ánh Viên vừa đủ để Việt Nam qua mặt Thái Lan chiếm vị trí số 2 trên BXH toàn đoàn tại SEA Games 2019, nhưng cách nay 2 năm, rõ ràng 8 HCV của cô gái Cần Thơ sắm vai trò quan trọng giúp chúng ta chiếm vị trí thứ 3 chung cuộc, hơn Singapore vừa đúng 1 HCV.
Số huy chương khổng lồ đó - đưa Ánh Viên vào Top 5 tuyển thủ giàu thành tích nhất lịch sử SEA Games - không chỉ thể hiện độ cống hiến của kình ngư nữ này, mà còn cho thấy cô đã hy sinh kinh khủng đến mức nào. Ví dụ như tại Philippines 2019, Ánh Viên thi đấu tới 14 nội dung để đánh đổi lấy 6 HCV.
Đừng nghĩ rằng Ánh Viên tham dự càng nhiều nội dung thì càng có lợi. Ngược lại là khác. Trước hết, thể lực của Ánh Viên chắc chắn bị bào mòn và thua thiệt khi phân tán ra 14 nội dung - cả sở trường lẫn sở đoản, trong lúc các đối thủ chỉ cần dồn sức vào 2-3 nội dung sở trường.
Kế đến, thời gian thi đấu theo kiểu cuốn chiếu khiến Ánh Viên càng thiệt thòi do thiếu thời gian hồi phục so với các đối thủ ở những nội dung tiếp theo. Vì vậy, khi nhìn thấy Ánh Viên là kình ngư nữ hiếm hoi chủ động cột tóc khi lên nhận huy chương, tôi từng cho rằng đấy là do cô gái Cần Thơ không muốn mất thời gian vén tóc như các đối thủ khi dây huy chương choàng qua đầu. Nhưng thực tế có lẽ là Ánh Viên muốn "giúp" lễ trao huy chương kết thúc càng nhanh càng tốt, để cô tranh thủ thời gian nghỉ ngơi trước lúc bước vào nội dung kế tiếp.
Với mật độ thi đấu dày đặc khiến phải chịu thiệt thòi như vậy, mức độ hy sinh của Ánh Viên lại càng tăng đến choáng váng. Bởi lẽ, thi đấu 14 môn đem về cho Ánh Viên 6 HCV SEA Games 30, nhưng nếu giảm bớt vài nội dung không phải sở trường (Ánh Viên thường xuất phát chậm nên chỉ cực mạnh trên đường bơi tự do hoặc hỗn hợp), số HCV của cô gái sinh năm 1996 rất dễ càng cao hơn.
Đến đây ắt hẳn có người phải tự hỏi: Tại sao lại để Ánh Viên tham dự nhiều nội dung như vậy mà vẫn tin tưởng có HCV? Đơn giản là do từ sau 2 HCB SEA Games lúc 15 tuổi, Ánh Viên đã trở thành mục tiêu đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam và thể hiện cả trong lúc tập lẫn khi thi đấu của tài năng Cần Thơ dẫn tới những chỉ tiêu khó tin như vậy.
Đặc biệt là so với các môn khác, nỗ lực vượt ngưỡng để đột phá đến thông số mới là một điều thật đáng kính nể thì trong bơi lội, ý chí phấn đấu lại càng kinh khủng. Chỉ cần chứng kiến cảnh đối thủ Philippines Thanya Angelyn Dela Cruz của Ánh Viên cần cấp cứu do đuối nước ở vòng loại nội dung 200m nữ tại SEA Games 30 là rõ. Ở điền kinh, kiệt sức thì VĐV còn có thể dừng lại, còn trên đường đua xanh, họ sao có thể bỏ cuộc nửa chừng?
Để Ánh Viên trở thành biểu tượng và huyền thoại ở SEA Games, làm cách nào có thể đong đếm hết mọi tài năng, nỗ lực và hy sinh của cô gái năm nay vừa 23 tuổi? Đến đây, có lẽ xin kể lại một câu chuyện cũ từ SEA Games 2015, lúc Ánh Viên lần đầu đoạt 8 HCV. Theo lời một thành viên trong làng bơi lội Việt Nam tiết lộ thì khi được phỏng vấn nhanh để phát ngay trong buổi thi đấu, có phóng viên chỉ hỏi Ánh Viên một câu đơn giản là em thích bài hát nào, vậy mà cô bé không cách nào nghĩ ra được!
Sống ở Mỹ 6 năm mà không giao tiếp được bằng tiếng Anh và suốt thời thiếu nữ tươi đẹp vẫn chẳng có bài hát nào để nhớ, Ánh Viên đang hy sinh cho bơi lội nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung theo đúng kiểu "dành hết cả thanh xuân chỉ để tìm vàng SEA Games". Vì vậy, nếu bây giờ được phỏng vấn Ánh Viên, điều đầu tiên mà tôi muốn hỏi Tiểu tiên cá không phải về những tấm huy chương, mà là ở tuổi 23, em đã thích bài hát nào chưa?
VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên được bầu chọn là VĐV nữ của năm Cúp Chiến thắng 2019.