Đối với quần vợt Việt Nam, SEA Games 30 rõ ràng là một kết thúc có hậu. Càng tuyệt vời khi HCV rốt cuộc đã thuộc về Lý Hoàng Nam, đưa anh trở lại danh sách đề cử Nam vận động viên xuất sắc nhất của Cúp Chiến thắng 2019 sau lần đầu cách nay 5 năm. Kỳ tích của Lý Hoàng Nam mang ý nghĩa không đơn thuần chỉ là chuyên môn. Đấy là dấu ấn của xã hội hóa mà mọi môn thể thao đều cần, nếu muốn thấy cá hóa rồng.
Đương nhiên, Lý Hoàng Nam phải có tài năng dị biệt mới giành được HCV đơn nam quần vợt tại SEA Games 2019. Để vươn tới tầm cao như hiện nay, Lý Hoàng Nam đã phải trải qua một hành trình dài từ năm 5 tuổi, lúc mới làm quen với quần vợt và còn tương lai xán lạn ở phía trước do tay vợt này mới 22 tuổi (sinh năm 1997).
Và ngoài đam mê cùng khổ luyện, Lý Hoàng Nam còn nhận được sự hậu thuẫn tuyệt đối từ gia đình. Mẹ của Lý Hoàng Nam đã truyền cảm hứng cho con trai chơi quần vợt. Ba của Lý Hoàng Nam đã giữ ngọn lửa đam mê đó cho con bằng những chuyến đưa đón đi tập hàng ngày trên chặng đường dài bất chấp nắng mưa.
Nhưng nếu không có Becamex Bình Dương và Hải Đăng - Tây Ninh, Lý Hoàng Nam nói riêng và quần vợt Việt Nam nói chung có lẽ vẫn mãi là người đến sau trong các cuộc đua tranh HCV SEA Games.
Nguyên nhân là do quần vợt trong khu vực Đông Nam Á đã tiến vào chuyên nghiệp từ rất lâu. Ngay từ thời của Ôn Tấn Lực và Nguyễn Thị Kim Trang ở thập niên 90, huy chương SEA Games ở nội dung đánh đơn của quần vợt đã trở thành cuộc chơi dành riêng cho các tay vợt nhà nghề.
Felix Barrientos (Philippines) vô địch SEA Games 1991 từng đứng thứ 180 thế giới ngay năm đó. Suwandi (Indonesia) đăng quang SEA Games 1993 từng chiếm hạng 240 thế giới. Paradorn Srichaphan (Thái Lan) đoạt HCV SEA Games 1997 thậm chí còn là tay vợt châu Á đầu tiên chen vào Top 10 thế giới ở hạng 9. Thậm chí Ramayah Ramachandran chỉ đoạt HCĐ SEA Games 1993 vào năm xếp hạng 876 thế giới.
Để đánh bại được các đấu thủ chuyên nghiệp, Lý Hoàng Nam phải bước vào quần vợt nhà nghề. Vì chỉ có như vậy, thần đồng của Tây Ninh mới vươn đến những tầm cao mới nhờ cọ xát cùng những tay vợt có trình độ vượt trội. Nhưng để trang trải cho những chuyến đi dự giải đầy tốn kém, gia đình Lý Hoàng Nam không thể gánh nổi, dù hết mực lo cho con.
Vì trong 5 năm qua kể từ 2015 - lần đầu tiên Lý Hoàng Nam có tên trong danh sách đề cử của Cúp Chiến thắng nhờ ngôi vô địch đôi nam trẻ ở Wimbledon, chỉ riêng Becamex Bình Dương đã đầu tư cho anh hàng năm ước khoảng 200 ngàn đô la (hơn 4 tỷ đồng), bao gồm cả các khoản lương cho đội ngũ huấn luyện cùng chi phí tập huấn trong và ngoài nước. Đến năm 2018, có thêm Hải Đăng - Tây Ninh tham gia vào hỗ trợ một phần cho Lý Hoàng Nam trước lúc anh về đầu quân cho đơn vị này khi kết thúc hợp đồng với Becamex Bình Dương.
Nói cách khác, Lý Hoàng Nam mới 22 tuổi mà đã được đầu tư đến khoảng 1 triệu đô la (hơn 20 tỷ đồng). Đây là khoản đầu tư khổng lồ mà trong làng thể thao Việt Nam, xem ra chỉ có mỗi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên mới được đãi ngộ như vậy.
Nhưng trường hợp của Lý Hoàng Nam không như Tiểu tiên cá, vì với khoản kinh phí hơn 6 tỷ đồng/năm để phát triển, Liên đoàn quần vợt Việt Nam rõ ràng chẳng thể dồn toàn lực cho riêng thần đồng Tây Ninh.
Cho rằng Lý Hoàng Nam đoạt HCV SEA Games lịch sử mang dấu ấn xã hội hóa từ những đơn vị như Becamex Bình Dương và Hải Đăng - Tây Ninh chính là vì thế. Đóng góp của Daniel Nguyen chỉ càng củng cố thêm nhận định này, vì anh có thể xem là phát hiện của Hải Đăng - Tây Ninh.
VĐV Lý Hoàng Nam được đề cử cho hạng mục VĐV nam của năm của giải thưởng Cúp chiến Thắng 2019. Cổng bình chọn sẽ đóng lại vào ngày 31/12/2019. Gala trao giải Cúp Chiến Thắng sẽ diễn ra ngày 15/1/2020.
Để bầu chọn cho VĐV Lý Hoàng Nam, hãy truy cập vào http://binhchon.cupchienthang.vn/