Phải thừa nhận rằng trong vụ "bom đểu" ở Old Trafford cuối tuần qua, Man Utd nói riêng và cảnh sát vùng Manchester đã phản ứng rất chính xác. Ngay sau khi phát hiện vật khả nghi trong nhà vệ sinh, họ nhanh chóng tổ chức cho khán giả ở 2 khu vực gần đó rời khỏi sân có trật tự, đồng thời trấn an và yêu cầu khán giả ở các khu vực khác ngồi yên tại chỗ nhằm tránh gây hỗn loạn. Đồng thời, quyết định hủy trận đấu cho dù nhận ra đây chỉ là "bom đểu" cũng là động thái sáng suốt của những người có trách nhiệm, vì chẳng thể do một trận đấu mà đánh bạc với sinh mệnh của gần 70.000 người trên sân. Trong bối cảnh đó, việc Man Utd bồi thường cho NHM khoảng 3 triệu bảng rõ ràng là “muỗi”.
Tuy nhiên, hậu quả của vụ "bom đểu" ở Old Trafford sẽ không chấm dứt từ đây, hoặc sau trận đá bù vào thứ Ba này. Vì nếu đấy không phải là "bom đểu" mà bom thật thì sao? Và nếu không phải khán giả phát hiện ra thì nếu là bom thật, thật không dám hình dung thảm cảnh ở “Nhà hát của những giấc mơ” như thế nào. Vì thế, có thể hiểu được tại sao trong vòng 2 giờ trước lúc các chuyên gia phá bom đưa "bom đểu" ra khỏi sân, mọi hệ thống giao thông trong vùng đều bị đặt trong tình trạng báo động đỏ. Bởi lẽ, ngay cả Old Trafford tưởng chừng an toàn còn như vậy, bom thật hoàn toàn có thể xuất hiện ở bất cứ xó xỉnh nào ở Manchester.
Sở dĩ có nhận định như vậy là do từ sau các vụ đánh bom cảm tử ở Paris ngày 13/11/2015, an ninh ở các sân cỏ châu Âu được chú trọng hơn, chí ít là trên lý thuyết hoặc cảm giác chung là như vậy. Vì theo thông tin từ cảnh sát và truyền thông quốc tế thì ở các sự kiện thể thao lớn, các biện pháp an ninh được triển khai rầm rộ hơn như lục soát vũ khí, kiểm tra giỏ sách, dùng chó nghiệp vụ đánh hơi, trang bị máy dò kim loại và gia tăng số lượng nhân viên an ninh…
Cần nhớ rằng tại Stade de France diễn ra trận giao hữu Pháp – Đức, chính hành động lục soát vũ khí đã giúp phát hiện ra kẻ giấu bom trong áo khoác. Và vì là một trong những CLB hàng đầu thế giới, chủ sân Old Trafford càng thận trọng hơn. Bằng chứng là vào hôm Chủ nhật qua, truyền thông ghi nhận mọi xe của khán giả đều bị dừng lại để nhân viên an ninh dùng kính kiểm tra cả gầm xe. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao trong tình hình ấy, sự cố vẫn phát sinh?
Đây có lẽ là do tâm lý con người. Bởi thông thường khi đề phòng trộm cắp hoặc bạo động, gần như mặc nhiên cho rằng nguy hiểm đến từ bên ngoài. Vì thế, ban lãnh đạo Man Utd có lẽ không chủ trương rà soát lại mọi khu vực trên sân sau khi buổi diễn tập chống khủng bố ở Old Trafford tuần trước kết thúc êm thắm. Đồng thời, họ cũng cảm thấy không cần phải rà soát lại toàn sân thêm lần nữa trước lúc mở cửa đón khán giả vào xem trận đấu với Bournemouth cuối tuần qua.
Hoặc cũng có thể Man Utd có cử đội ngũ an ninh rà soát qua một lượt, vì vấn đề này đang được điều tra, nhưng như trên đề cập tới tâm lý con người, họ có thể cảm thấy yêu cầu này hơi… thừa nên tự cho phép bản thân được quyền làm qua loa. Đấy là sai phạm chết người, dù cũng có tính “rất người”, nhất là khi thảm kịch Paris tại Pháp đã qua gần nửa năm, khiến những người không liên quan có phần quên lãng. Trên thực tế, thậm chí nhiều người Anh có lẽ đều đã quên sự cố “bom đểu” tương tự ở sân Molineaux năm 2014, lúc Wolverhampton Wanderers tiếp Carlisle United ở trận đấu có tính quyết định ngôi đầu chung cuộc của League 1. Vì lý do an toàn mà lúc đó, cảnh sát buộc phải sơ tán một phần trong 30.000 khán giả có mặt trên sân, nhưng có lẽ do trận này nhỏ quá nên không mấy người chú ý.
Nói cách khác, "bom đểu" ở Old Trafford không gây hậu quả nghiêm trọng về người, nhưng chắc chắn buộc Man Utd nói riêng và các CLB cùng Ban tổ chức giải – không chỉ riêng Premier League – cần rà soát lại phương thức và cách bố trí nhân sự kiểm tra sân do sự cố vừa qua chứng tỏ cách làm hiện nay còn có phần lỏng lẻo. Chẳng hạn như thay vì 1 khu vực hiện chỉ có 1 người phụ trách thì nay tăng lên 2 để tránh có kẻ chỉ làm qua suýt cho xong việc? Tất nhiên làm như thế cần phải tăng chi phí, đồng nghĩa với giá vé có thể tăng tiếp, nhưng thà như thế, người hâm mộ có lẽ dễ chấp nhận hơn, thay vì lo ngay ngáy do ngày đi xem bóng đá có nguy cơ thành ngày giỗ vào năm sau.