Bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, nhiều vấn đề nếu người trong cuộc soi chiếu vào thì rất có thể chúng ta đang ở một vị trí khác, thay vì chật vật trong khu vực. Hoặc chí ít tránh được các nguy cơ xấu.
Ai theo dõi thể thao Việt Nam nhiều năm sẽ thấy, căn bệnh kêu ca của chúng ta khi tranh tài ở các kỳ đại hội rất thường xuyên, và vẻ như đã thành kinh niên. "Bài tủ" là trước kỳ đại hội nào, quan chức ngành thể thao cũng than thở về các khoản gây khó khăn của nước chủ nhà. Vào giải kêu ca vì bị xử ép, ăn ở không ổn, chủ nhà chơi "xỏ"....Cuối giải tưng bừng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cách đây lâu lâu, nghe Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định "như đinh đóng cột", SEA Games 31 (2021) Việt Nam sẽ không chạy theo thành tích, tập trung hướng tới đấu trường Asiad và Olympic, chơi rất "fair" với các anh em láng giềng. Nhiều người đã rất hào hứng, phấn khởi, dù rằng không ít nhận ra tới thời điểm năm 2021, không chắc ông Trần Đức Phấn có được quyền quyết định để thực hiện lời hứa hay không.
Dù rất muốn tin ông Trần Đức Phấn, tôi vẫn nghiêng về khả năng Việt Nam sẽ giành vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 31. Nói như vậy là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào thực tế trước đây, cũng như khả năng thay đổi nó trong tương lai.
Tại SEA Games 2003, thể thao Việt Nam vù lớn như Thánh Gióng, đoạt liền 158 HCV (không kể số HCB và HCĐ), hơn Thái Lan (90 HCV) chỉ... 68 cái. Để dễ hình dung, xin nhắc lại tại SEA Games 2017 vừa diễn ra ở Malaysia cách đây hơn 1 năm, đoàn Việt Nam chỉ đoạt 58 HCV. Về năng lực thực tế, chắc rằng không quan chức thể thao nào dám nói, Việt Nam đã hơn tầm Thái Lan đến thế.
Ở cấp độ châu lục, AIG 3 năm 2009 tại Hà Nội, chúng ta đoạt 42 HCV. Trong số này, riêng VOVINAM 8 chiếc (Campuchia được 1 chiếc), đá cầu 7, ngoài ra còn wushu, lặn... Kết thúc giải, quan chức thể thao kỳ cựu là ông Hoàng Vĩnh Giang vừa mừng vì "vượt thành tích xuất sắc", nhưng cũng thừa nhận, chơi như vậy tốt nhưng cũng... hơi quá. Có 9 cái HCV ta lấy gần hết, ai còn chơi với mình nữa. Rất khó phát triển phong trào VOVINAM ra thế giới.
Indonesia chắc chắn không rút kinh nghiệm từ Việt Nam, Asiad 2018 vừa rồi làm gọn 14 HCV Silat, chỉ chừa ra 2 suất để Malaysia với Việt Nam giành nhau. Nhưng cũng phải nói lại rằng nhờ vậy, Việt Nam mới có thêm 2 HCV để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Nếu không, ngành thể thao có lẽ lại đau đầu!
VOVINAM vs Pencak Silat liên quan gì tới bầu Hiển? Xin thưa, ở phương diện nào đó rất có liên quan.
Từ 2009-2018, sau 10 mùa giải thì 7 lần, bầu Hiển được nâng cúp Vô địch V-League cùng các đội bóng liên quan. Sẽ có người băn khoăn, 1 người nâng cúp nhiều thế thì cảm xúc có bị chai sạn dần đi không, nhưng chuyện này không quan trọng. Hà Nội: 4, SHB Đà Nẵng 2, Quảng Nam 1. Mười năm, Bình Dương (giai đoạn còn mạnh) chen vào được 2 lần (2014, 2015), SLNA 1 lần (2011).
Ai từng nói bóng đá Việt Nam không tạo ra được tiền là rất sai. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung có thể tạo ra rất nhiều tiền. Nhưng ở đây chắc chắn không phải là tiền thưởng ăn Cúp. Vì nếu tính giá trị chiếc Cúp V-League 3 tỉ (có năm ít hơn) thì 7 mùa, khoản thu về của các đội bóng "anh em" nhà bầu Hiển chỉ 21 tỉ. Đây là con số rất nhỏ so với những gì các đội bóng phải bỏ ra.
Bóng đá có thể tạo nên rất nhiều giá trị, cả về tiền bạc. Quan trọng là người ta muốn thu về những thứ gì. Nếu dựa vào thống kê ở trên, liệu có thể nói ông thầy ngoại Petrovic của FLC Thanh Hoá, trước khi rời Việt Nam đã ít nhiều có cơ sở đưa ra "đề xuất", V-League chỉ cần đá tranh từ... hạng nhì trở xuống? Nó cũng hơi giống quan điểm đang khá phổ biến trong giáo dục, là nếu năm nào tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cũng hơn 90% thì việc tổ chức kỳ thi này có cần thiết, nếu không để xét điểm vào Đại học.
Để V-League là sân chơi chung, thu hút được nhiều người tham gia, có lẽ thực trạng hiện nay cần thay đổi. Cứ nghĩ cảnh một ngày các ông bầu, nhà tài trợ đều nản rồi quay lưng lại với bóng đá, lỗi tại ai? Giá trị lớn nhất bóng đá đem lại, ngoài tiền bạc còn là niềm vui cho người hâm mộ. Chơi một mình thì đâu thể vui.