Vấn đề của M.U: Đừng đổ hết lên đầu Van Gaal

thứ bảy 12-12-2015 14:52:03 +07:00 0 bình luận
Rõ ràng, Van Gaal là người xứng đáng bị chỉ trích đầu tiên sau thất bại của M.U. Thế nhưng, trên thực tế, hãy thừa nhận thẳng thắn rằng vấn đề của đội bóng thành Manchester không chỉ liên quan đến những yếu tố chuyên môn thuần túy.

Trước thềm cuộc chạm trán Wolfsburg, vẫn có những người tin tưởng rằng Man Utd sẽ giành được chiến thắng trên đất Đức để lọt vào vòng knock-out Champions League. Thế nhưng, mọi chuyện đã không xảy ra.

Trong một ngày thi đấu vô cùng bạc nhược, Quỷ đỏ đã tự đẩy mình xuống sân khấu hạng hai Europa League đồng thời trở thành một “bóng ma” của nền bóng đá châu Âu. Hơn hết, khoảng khắc này còn là “giọt nước tràn ly” dành cho HLV Louis van Gaal, khi mà không còn ai có đủ kiên nhẫn để tiếp tục khoan dung với “Tuy-lip thép”.

Rõ ràng, Van Gaal là người đáng bị chỉ trích đầu tiên sau thất bại của M.U. Thế nhưng, trên thực tế, hãy thừa nhận thẳng thắn rằng vấn đề của đội bóng thành Manchester không chỉ liên quan đến những yếu tố chuyên môn thuần túy. Thay vào đó, sự sa sút của Quỷ đỏ đã xuất phát từ những nguyên nhân mang tính hệ thống hơn, đơn cử như một chính sách chuyển nhượng thiếu định hướng cùng tầm nhìn thương mại hạn chế trong kế hoạch xây dựng đội hình.

Trong quá khứ, khi còn tại nhiệm ở sân Old Trafford, Sir Alex Ferguson từng nhiều lần tuyên bố rằng: “Tiền không phải là vấn đề đối với gia đình Glazer”. Dưới thời Van Gaal, một chiến lược gia được đưa về “Nhà hát của những giấc mơ”sau những thành công vang dội tại VCK World Cup 2014, mọi ưu đãi cũng diễn ra hoàn toàn tương tự.

Người hâm mộ M.U dường như đã cảm nhận rõ niềm hy vọng về một triều đại mới. Tuy nhiên, trải qua hơn 18 tháng kể từ thời điểm “Tuy-lip thép” đặt chân đến Premier League, thứ bóng đá đơn điệu, nhạt nhẽo và hết sức thiếu hiệu quả của ông đang thực sự khiến cho Quỷ đỏ dần dần chìm vào một cơn khủng hoảng không lối thoát.

Đội hình của M.U vào thời điểm này thực sự thiếu đi tính cân bằng. Bất chấp việc đã nỗ lực tăng cường thêm hàng loạt bản hợp đồng đình đám trong hai kỳ chuyển nhượng mùa Hè gần nhất nhưng vấn nạn chấn thương vẫn thường xuyên trở thành cơn đau đầu đối với thầy trò HLV Van Gaal. Nhìn vào tình cảnh hiện giờ của CLB chủ sân Old Trafford, người ta lại càng có thêm nhiều lý do để đặt câu hỏi về sự ra đi của Danny Welbeck, Shinji Kagawa, Rafael hay Javier Hernandez, vốn lànhững “siêu dự bị” dưới thời Sir Alex.

Bên cạnh đó, chính là một bản danh sách dài dằng dặc bao gồm nhiều cầu thủ đã đánh mất đi niềm cảm hứng thi đấu cần thiết sau quãng thời gian dài phải “mài đũng quần” trên băng ghế dự bị. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chấn thương vẫn luôn đe dọa M.U một cách thường trực, lẽ ra Van Gaal nên phát triển đội ngũ tài năng trẻ nhiều hơn. Mặc dù vậy, vị chiến lược gia người Hà Lan chẳng bao giờ dám đặt niềm tin vào những “cầu thủ thiếu kinh nghiệm” trong hầu hết các trận đấu lớn dưới triều đại của mình.

Trên phương diện thị trường, thành công của M.U và Ed Woodward cũng ẩn chứa nhiều mảng sáng tối nhất định. Về cơ bản, Morgan Schneiderlin chính là mẫu tiền vệ phòng ngự mà Quỷ đỏ theo đuổi từ lâu, Memphis Depay và Anthony Martial đều là những ngôi sao trẻ giàu tiềm năng trong tương lai gần. Trong khi đó, kinh nghiệm của Bastian Schweinsteiger cũng mang đến cho đội bóng thành Manchester một thứ “tinh thần Đức” cần thiết. Tương tự, những Matteo Darmian, Marcos Rojo hay Daley Blind hoàn toàn có đủ phẩm chất để sớm hoàn thiện mình trong môi trường bóng đá Anh.

Thế nhưng, bức tranh chuyển nhượng của M.U xét cho cùng vẫn không phải là “màu hồng” hoàn hảo. Cần phải nhớ rằng, cả Angel di Maria lẫn Radamel Falcao đều là những bản hợp đồng dưới thời Ed Woodward, nhằm thúc đẩy một chính sách ưu tiên thương mại hóa. Tuy nhiên, hai cầu thủ này đều không phải những “nguyên liệu” thực sự phù hợp dành cho đội hình của Van Gaal.

Thực tế cho thấy, một Di Maria đang ở đẳng cấp hàng đầu thế giới sau khi chuyển đến sân Old Trafford lẽ ra đã có thể làm tốt hơn nếu như ngôi sao người Argentina không phải phục vụ những triết lý “độc tài” dưới thời Van Gaal. Đánh giá  từ một góc độ khác, sự bảo thủ của “Tuy-lip thép” đã mang đến một vài kết quả tích cực cho M.U trong những giai đoạn nhất định. Mặc dù vậy, chừng đó vẫn là chưa đủ để kéo đội bóng thành Manchester ra khỏi vũng lầy hiện tại, đặc biệt là khi ban lãnh đạo Quỷ đỏ đang thiếu đi tầm “nhìn xa trông rộng” ngay từ công tác chuyển nhượng.

Một lập trường cứng rắn để rồi dẫn đến thất bại trong nỗ lực thuyết phục thủ thành David de Gea gia hạn hợp đồng rõ ràng chẳng có lợi chút nào đối với M.U. Trong khi đó, những mục tiêu quan trọng từng được nhắm đến như Sergio Ramos hay Arturo Vidal đều chỉ xuất hiện dưới danh nghĩa… tin đồn, không hơn không kém. Hệ quả, đội hình của Van Gaal bây giờ, hoặc chỉ biết cầm bóng để phòng ngự, hoặc tấn công như những kẻ mù quáng. Minh chứng rõ nét nhất, chính là trận thua 2-3 trước Wolfsburg cách đây ít ngày, sau khi Quỷ đỏ chấp nhận “chơi hết mình” trên đất Đức và phải nói lời chia tay Champions League.

Giới chuyên môn đã nhiều lần thắc mắc vì sao Van Gaal không trở lại sơ đồ 4-3-3, một hệ thống chiến thuật mang đậm chất “Hà Lan” cùng những lợi ích về sự cân bằng mà nó có thể bổ sung cho M.U vào lúc này. Khi đó, Schneiderlin sẽ giữ vai trò một mỏ neo duy nhất án ngữ trước bộ tứ vệ và tuyến giữa 3 người luôn đảm bảo cho đội bóng chủ sân Old Trafford khả năng tranh chấp cần thiết.

Tuy nhiên, cho dù thế nào đi chăng nữa thì M.U vẫn sẽ phải chấp nhận đầu tư mạnh tay trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng sắp tới. Hãy nhớ rằng, thách thức hiện tại của Quỷ đỏ không đơn thuần chỉ là bản thân Van Gaal mà còn đến từ chính sự “thông thái” của những người lãnh đạo. Vị chiến lược gia người Hà Lan sẽ cần nhiều hơn nữa những nhân tố phù hợp với triết lý của mình, nhưng điều đó có thể thành hiện thực hay không, vẫn còn phụ thuộc vào bộ sậu của Ed Woodward.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm