Đến thời điểm này gói bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh giai đoạn 2016-2019 mới bán được ở 6 vùng lãnh thổ và quốc gia, mà mới nhất là tại Singapore. Và với mức tăng gần 100% so với giá trị gói BQTH 3 năm hiện tại (2013-2016), rõ ràng có cơ sở để Premier League kỳ vọng chạm ngưỡng 3 tỷ bảng tiền bán BQTH giải đấu 3 năm tới ở nước ngoài.
Ở đây, tồn tại “những nghịch lý” mà hẳn nhiều NHM, trong đó có các CĐV Việt Nam thắc mắc, đó là BQTH Premier League trên thế giới nói chung và cho khu vực châu Á nói riêng được bán với mức giá dựa trên tiêu chí nào? Thu nhập bình quân đầu người, mật độ dân số hay tầm ảnh hưởng, mức độ phủ sóng và cả những khoản sinh lời trực tiếp cũng như gián tiếp mà Premier League và các đơn vị bán BQTH, các nhà đài phân phối lại được thụ hưởng? Nếu xét về thu nhập bình quân đầu người (GDP), Singapore hay Hong Kong - Trung Quốc hơn hẳn Thái Lan. Vậy mà, Thái Lan vẫn là quốc gia châu Á phải trả nhiều nhất cho gói BQTH Premier League giai đoạn 2013-2016. Trong khi đó, một quốc gia có mức sống cao nhất nhì châu Á như Nhật Bản, lại phải chỉ phải trả... 38 triệu USD, tức bằng xấp xỉ 1/8 so với Singapore.
Như thế, mức sống chưa phải tiêu chí cao nhất mà những tập đoàn đang “buôn” BQTH Premier League nhìn vào. Và cũng không thể đem vấn đề mật độ dân số - tương đương với tỷ lệ người xem, càng có nhiều người xem thì các nhà đài càng thu lợi to - ra để lý giải. Đành rằng dân số Thái Lan hiện vào khoảng 67,5 triệu người thì hãy nhớ hàng xóm Indonesia với 255 triệu dân chỉ phải trả 80 triệu USD cho gói BQTH Ngoại hạng 2013-2016, tức bằng 1/3 Thái Lan, còn Ấn Độ với 1,3 tỷ dân thì mức giá là 145 triệu USD. Đặc biệt, Việt Nam với hơn 90 triệu dân thì giá trị BQTH Premier League 2013-2016 ở đây chỉ là 35 triệu USD.
Rõ ràng, nếu tạm gọi BQTH giải Ngoại hạng là một“cái bánh”, thì sau khi nó ra lò và rơi vào tay những tập đoàn kinh doanh bản quyền - tầng trung gian thứ nhất - điểm đến kế tiếp sẽ là những Đài truyền hình lớn ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Có thể xem đó là: Tầng trung gian thứ hai, rồi sau đó “chiếc bánh” mới đến tay NHM, những người thực sự thưởng thức hương vị của nó.
Với tầng trung gian thứ nhất, đương nhiên khi mua lại “chiếc bánh” từ BTC Premier League và mang đi rao bán thì họ phải tính chuyện kiếm lời, càng nhiều càng tốt. Và chính bộ phận này hiểu rõ nhất đâu là thị trường họ sẽ khai thác tốt nhất. “Chiếc bánh” ấy có thể không được giá ở Nhật Bản, nơi bóng chày rất được yêu thích và giải bóng đá quốc gia hàng đầu J.League thậm chí có sức hút không kém đối với NHM. Tuy nhiên, đến Thái Lan hay Ấn Độ, từ Singapore tới Malaysia hay Hong Kong-Trung Quốc là câu chuyện hoàn toàn khác.
Ở đó, tầng trung gian thứ nhất nhìn thấy rõ nguồn lợi to lớn mà các nhà đài tại đây thu về sau khi mua “chiếc bánh” và phân phối tới tay những NHM vốn máu me xem Ngoại hạng Anh thuộc diện nhất nhì thế giới. Nguồn thu chủ yếu của các nhà đài đến từ phí xem truyền hình, khi họ còn “băm” thành nhiều gói bản quyền nhỏ lẻ khác để bán, và đương nhiên còn các nguồn thu khủng từ quảng cáo và những khoản sinh lời đi kèm khác với khẩu hiệu “Premier League độc quyền”. Khi ấy, đương nhiên giá “chiếc bánh” đội lên đáng kể.
Tính sơ qua cũng thấy cần ít nhất 2 tầng trung gian để những trận đấu tại Premier League có thể lên sóng truyền hình và NHM ở khắp nơi trên thế giới có thể thưởng thức.
Nếu so với khi Premier League ra đời, mùa 1992/93, giờ BQTH giải đấu bán ở nước ngoài đã đội lên gấp gần... 8 lần, hay chẳng nói đâu xa riêng 2 chu kỳ gần nhất: 2010-2013 (1,437 tỷ bảng) và 2013-2016 (2,23 tỷ bảng) đã tăng 1,55 lần. Lời giải thích cho sự nở phồng này chỉ có thể nằm ở những tầng trung gian, bởi bản thân BTC Premier League khó mà độc lập đưa ra... giá trên trời và đương nhiên NHM cũng chẳng vui vẻ gì khi qua từng năm lại phải trả nhiều tiền hơn để xem các trận đấu.
Trở lại với câu chuyện ở Việt Nam. Còn nhớ cái giá 35 triệu USD cho gói BQTH Premier League 2013-2016 từng bị xem là... điên rồ và bị không ít NHM tẩy chay.
Nhưng có lẽ các trận đấu ở giải Ngoại hạng giai đoạn 2016-2019 vẫn sẽ là “món ăn” được bày trên sóng truyền hình sau khi được mua với mức giá cao chót vót mới. Nên nhớ, với hơn 7 triệu thuê bao (và còn tăng), truyền hình trả tiền vẫn là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết - với doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng/năm và tăng đều.
Trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường, BQTH Premier League chính là vũ khí lợi hại. Các nhà đài hiểu rõ điều đó. Và đương nhiên, tầng trung gian thứ nhất còn biết rõ hơn họ có thể đẩy giá trị “chiếc bánh” đang nắm trong tay lên ngưỡng nào, khi bày bán ở đây.
Hiện, để xem đầy đủ các trận đấu Ngoại hạng Anh được phát sóng trực tiếp hằng tuần, trung bình NHM phải trả 230.000/tháng tiền thuê bao dịch vụ truyền hình (tính với K+). Đương nhiên, nếu các Đài phải bỏ ra phí gần gấp đôi để mua gói BQTH mới thì 3 năm tới, mức 230.000/tháng hiện tại chắc chắn cũng sẽ phải đội lên cho “tương xứng”.