Facebook có một công cụ rất hữu ích, đó là việc nhắc lại những sự kiện trước đây, kiểu "ngày này năm xưa". Đúng lúc tất cả đang chìm trong sự hân hoan về việc sắp có trường đua F1 thì chợt thấy…
Đúng ngày này cách đây tròn 6 năm, thông tin Việt Nam được trao quyền đăng cai ASIAD 2019 được công bố trên mặt báo. Còn nhớ hình ảnh lãnh đạo ngành thể thao nhận "vinh dự" ấy còn có sự hiện diện của người đẹp Lý Nhã Kỳ trong vai trò Đại sứ du lịch.
Người đẹp Lý Nhã Kỳ trong buổi họp liên quan đến ASIAD 2019
Để thuyết phục cơ quan quản lý và người dân, ngành thể thao đã đưa ra con số tối thiểu để có thể đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất từ trước tới nay: chỉ khoảng 150 triệu USD, mức tiết kiệm tối đa chỉ dành cho kinh phí tổ chức, còn lại hệ thống cơ sở vật chất thì sử dụng lại từ thời SEA Games năm 2003 để lại.
Kết cục của ASIAD thì đã rõ, 2 năm sau, tức năm 2014, Chính phủ quyết định không đăng cai. Lý do chủ yếu được ghi rất rõ: "Thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác".
Còn người dân thì sao, một khảo sát trên VNE cho thấy việc đăng cai ASIAD gây tốn kém chiếm 74%, trong khi chỉ 8% cho rằng việc này tốt cho kinh tế xã hội.
6 năm sau, cũng đúng ngày mà ngành thế thao nhận giấy đăng cai ASIAD thì Hà Nội công bố sẽ có đường đua F1 - oái ăm lại đúng cái chỗ mà dự kiến đăng cai ASIAD - khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình.
Sơ đồ trường đua F1 sắp được xây tại Hà Nội
Khác ở chỗ, đăng cai ASIAD thì kinh phí nhà nước gánh là chính, nhưng đăng cai F1 thì tư nhân gánh là chủ yếu.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà một công ty như công ty Việt Nam Grand Prix- mới chỉ được thành lập được có 3 tháng có số vốn 1.000 tỉ đồng lại được chỉ định thầu và giao cho tổ chức sự kiện "chưa từng có này". Hãy nhớ, Việt Nam Grand Prix có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Bài toán kinh tế đã được tính toán rất kỹ. Thậm chí ngay cả những câu hỏi kiểu: "Việt Nam Grand Prix tiêu hết 1.000 tỉ vào việc mua bản quyền thì lấy đâu ra tiền tổ chức?", "Chi phí 1-1,5 tỉ USD làm hạ tầng thì Hà Nội lấy đâu ra, liệu có đổi đất lấy hạ tầng, vậy thì đổi cho ai?" và cuối cùng "Việc kéo F1 về Việt Nam có quan hệ gì tới việc phát triển thương hiệu và thị trường xe hơi?"… cũng chỉ là những câu hỏi bỏ ngỏ.
Thôi thì đã chơi lớn thì bỏ qua những điều lẻ tẻ. Đất nhà nước còn nhiều, tiền trong dân còn lắm. Khi có tiền thì chuyện gì cũng nhỏ như… con thỏ và không rơi vào số phận ASIAD như năm nào…