Tiền vẫn cứ “múa”

chủ nhật 27-3-2016 22:17:04 +07:00 0 bình luận
Làm thế nào kiếm được gần 40.000 bảng mỗi ngày? Với Wayne Rooney, đấy không phải thu nhập trong mơ bởi anh đang nhận mức đó tại Man Utd. Con số tiền đạo này kiếm trong 24 giờ bằng thu nhập trung bình 12 tháng của người Anh.

Đối với số đông, đó là một sự bất công. Nhưng với những ông chủ các đội bóng, ngân quỹ lương cứ phình theo thời gian hoàn toàn logic. Bóng đá hiện đại đi đôi với tiền bạc. Không có tiền, không thành công. “Vị trí bạn đứng sau mỗi mùa giải phụ thuộc vào số tiền bạn chi. Đó là một thực tế thống kê”, HLV Sam Allardyce từng nói về tình trạng ngân quỹ lương của không ít CLB lớn tại châu Âu chiếm tới xấp xỉ 80% doanh thu.

Premier League

Kinh tế toàn cầu dù phần nào phục hồi sau cuộc suy thoái năm 2008 nhưng người lao động trong không ít các nghành công nghiệp có lợi nhuận đã chấp nhận giảm lương. Theo thống kê, các CEO người Mỹ bây giờ kiếm ít hơn so với năm 2007.

Hầu hết vì thế đều có chung quan điểm, nghịch lý ở thế giới hẹp bóng đá cần phải thay đổi, lương của các cầu thủ bóng đá cũng sẽ phải giảm nếu không muốn rơi vào khủng hoảng. Chính phủ Tây Ban Nha từng phải ngăn không cho cuộc đình công của các cầu thủ xảy ra vì tình trạng nợ lương. Ở Nga, sau sự xuất hiện của hàng loạt tỷ phú và các tập đoàn thuộc chính phủ tại các CLB thì giờ đang lên kế hoạch áp mức lương trần (31 nghìn USD/tháng) như một cách duy trì sự sống còn. Tại Anh, chúng ta hẳn còn nhớ Portsmouth đã phải tuyên bố phá sản. Đó là mặt trái của thời đại bóng đá kim tiền.

Mục đích áp mức lương trần có thành hiện thực? Khó. Mỗi đội bóng là một doanh nghiệp. Tương tự các tập đoàn, công ty, các CLB luôn săn đón các ngôi sao hàng đầu một khi họ có tiềm lực tài chính. Yếu tố đầu tiên đặt lên bàn khi muốn “câu” một nhân tài của đối thủ về làm cho mình là gì? Đương nhiên là mức thu nhập cao hơn chứ không đơn giản “hãy về với tôi, anh sẽ được tỏa sáng”.

Bởi vậy dù vấn đề áp lương trần được Premier League đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng cho đến bây giờ nó vẫn không có được sự đồng thuận tuyệt đối từ các CLB. Đặt trường hợp quy định về mức lương trần vẫn được ban hành, khó tin 100% chấp nhận tuân thủ. Luật công bằng tài chính (FFP) từng được kỳ vọng sẽ phần nào giúp cán cân giữa các CLB cân bằng hơn, nhưng hiện tại nó chưa có hiệu quả như mong muốn.

Yếu tố quan trọng hơn cả, việc áp lương trần sẽ còn gây tranh cãi chừng nào ông chủ các đội bóng không thấy việc trả mức lương khủng cho ngôi sao của họ là công bằng.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm