Hành trình như một cốt truyện đẹp
Tính tới thời điểm này, câu chuyện về Leicester ở EPL 2015/16 rõ ràng là một cốt chuyện thường thấy và có hậu trong các bộ phim ăn khách.
Bởi ngoài thành công mang tính tập thể, sức hấp dẫn của Leicester trong mắt NHM trung lập còn ở từng cá nhân với cuộc đời cùng sự nghiệp có thể tạo ra những cốt truyện nhỏ hấp dẫn khác.
Đơn cử như Jamie Vardy đang được chú ý đặc biệt do sự nghiệp lận đận ở những hạng thấp rồi vụt tỏa sáng khi lên đá ở EPL. Ngoài ra, Marc Albrighton vừa được nhắc tới khá nhiều trên mặt báo do nỗi ám ảnh khi mẹ của người yêu cùng người tình của bà ấy cùng bị sát hại trong một vụ tấn công của khủng bố tại Tunisia hồi tháng 6.
Trong khi đó, Kasper Schmeichel luôn phải phấn đấu hết mình nhằm tìm được sự khẳng định dưới cái bóng khổng lồ của ông bố Peter Schmeichel - huyền thoại của Man Utd và “Những chú lính chì dũng cảm” Đan Mạch. Về phần Wes Morgan, sự nghiệp như đóa hoa nở muộn, nên phải đợi tới tuổi 30 mới được đá ở EPL.
Robert Huth cũng chẳng khá hơn do bị Stoke tống ra khỏi cửa. Bên cạnh đó, chẳng thể không tính tới HLV Claudio Ranieri có biệt danh “thợ hàn”, song nay không còn dám xáo trộn đội hình chính do lực lượng không đảm bảo. Cốt truyện về HLV người Italia càng ly kỳ nếu biết rằng trước lúc trở lại Anh, sự nghiệp của ông tưởng chừng sớm chấm dứt sau khi bị Hy Lạp sa thải do để thua đảo Faroe.
Đấy là chưa kể sau gần 30 năm cầm quân và bôn ba qua 5 nước, Ranieri đã giúp các CLB thăng hạng 4 lần và đoạt 6 Cúp, nhưng chưa từng giành được ngôi VĐQG. Nhưng giờ đây, với những học trò cũng có cùng cảnh ngộ, “gã thợ hàn” rất có thể làm được chuyện không tưởng ở mùa này.
Bởi lẽ, không có gì là không thể. Đấy là niềm tin của HLV Brian Clough, người đưa Nottingham Forest vượt qua mọi dự đoán khi tiến đến ngôi vô địch Cúp C1 năm 1979 và vô địch Anh dựa vào tinh thần thi đấu quật cường cùng đội hình được tổ chức tốt. Giờ đây, Leicester có thể lặp lại điều tương tự? Huth cùng Morgan sẽ trở thành phiên bản mới của Kenny Burns và Larry Lloyd? Riyad Mahrez sẽ là John Robertson của ngày hôm nay? Danny Drinkwater là John McGovern khác? Đấy là chưa kể Vardy rất giống nhà vô địch châu Âu Garry Birtles, cho dù thủ lĩnh của hàng công năm 1979 là Peter Withe.
“Cuốn phim” cần kéo thành nhiều tập
Nhưng đối với giới chuyên môn ở Anh, Leicester của EPL 2015/16 trở thành Nottingham Forest mới có lẽ là một trong những giấc mơ hoang đường nhất. Được xem như BLV hay nhất ở Anh trước lúc sang nắm Valencia, Gary Neville từng dự đoán “Bầy cáo” chỉ đủ sức xếp thứ 8 chung cuộc.
Nhưng nếu phải hỏi các thành viên trong BLĐ EPL hiện nay, gần như tất cả ắt hẳn đều thầm mong Leicester sẽ làm nên điều kỳ diệu. Nguyên nhân đương nhiên chẳng phải là họ thường ủng hộ các đội bên ngoài EPL nên thích bất ngờ như chủ tịch Scudamore thực chất là CĐV của Bristol City. Nguyên nhân cũng chưa hẳn là do EPL thật ra luôn âm thầm hậu thuẫn cho các CLB nhỏ, nên bất cứ thay đổi quan trọng nào đều cần có ít nhất 14 thành viên đồng ý.
Lý do chính khiến EPL mong muốn Leicester tiếp tục đá hay như phim là vì 4 yếu tố giúp bán được bản quyền truyền hình với giá hời ra nước ngoài:
1. Các trận đấu hấp dẫn
2. Các SVĐ luôn đầy ắp và sôi động
3. Các CLB có nhiều cầu thủ đến từ nhiều nước khác
4. Tính bất ngờ khi đội nào cũng có thể thắng và cũng có thể thua.
Nhưng trong 4 yếu tố ấy, yếu tố cuối cùng rõ ràng quan trọng nhất. Bởi lẽ, hầu hết các giải VĐQG hiện nay đều quy tụ cầu thủ từ nhiều nước. Vấn đề chỉ là Serie A bị ảnh hưởng từ bạo động trên khán đài, sân cũ kỹ và dàn xếp tỷ số. Ligue 1 phụ thuộc hẳn 1 đội là PSG. Bundesliga và La Liga đều hấp dẫn cũng như đông khán giả, nhưng Barcelona, Real Madrid và Bayern Munich hiếm khi thua. Premier League không như vậy: Stoke vừa thắng Man City, Crystal Palace từng hạ Liverpool, Swansea đánh bại Man Utd, và không thiếu đội vượt qua Chelsea ở mùa này.
Ngặt nỗi, lịch sử EPL cho thấy dường như bất ngờ chỉ hiện diện trong phạm vi của 90 phút thi đấu. Bằng chứng là đến nay, số đội vô địch chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Từ năm 2004, ngôi vô địch chỉ trao qua lại giữa Chelsea với các CLB Manchester. Trước đó nữa chỉ có thêm Arsenal và Blackburn 1995. Vì thế, “cuốn phim” Leicester được kỳ vọng kéo càng dài càng tốt để xua tan định kiến về EPL chỉ là sân chơi của “Big 5”.
Hiệu ứng của thành công ấy hứa hẹn sẽ rước các nhà tài trợ đua nhau đến EPL. Bởi lúc đó, tất cả đều sẽ nhận ra nếu muốn lấy tiếng, họ chẳng cần phải đầu tư vào các đội mạnh như Yokohama Tyres chi 100 triệu bảng cho Chelsea. Chỉ cần học theo người Thái là đủ: ông chủ Vichai Srivaddhanaprabha không chỉ đổi được tên sân Leicester thành King Power, mà nay còn trở thành tấm gương cho các nhà đầu tư noi theo.
Leicester hiện được xem như bản sao của Nottingham Forest đoạt Cúp C1 năm 1979 thời Brian Clough vừa được dựng thành phim với tựa đề lấy từ câu nói nổi tiếng của HLV huyền thoại: “I Believe in Miracles” (tạm dịch: Tôi tin vào phép lạ).