Càng đáng bàn hơn khi Claudio Ranieri không phải là hiện tượng trong bóng đá, thay vào đó là câu chuyện tiếp theo được viết nên về những trải nghiệm mới từ những con người tưởng như sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Đó là Roberto Di Matteo giúp Chelsea vô địch Champions League 2011/12, là Pep Guardiola ở tuổi 39 chỉ sau 1 năm cầm quân chuyên nghiệp đã giúp Barca đoạt cú “ăn 6”, sau đó lịch sử lại suýt được viết tiếp dưới thời Luis Enrique (đoạt cú “ăn 5”). Nó cũng có thể là câu chuyện gắn với Zinedine Zidane ở Real Madrid hiện tại, và chắc hẳn không ai quên Jose Mourinho vào năm 2004 khi cả châu Âu không biết ông là ai thì Porto của “nhà thông ngôn” đã vô địch Champions League.
Những Joachim Loew, Juergen Klopp, Diego Simeone… và cả một đội ngũ thuyền trưởng lâu năm hiện nay cũng đều đi lên từ đó, từ vô danh, từ sức trẻ, từ những khát khao được cất giấu trong bóng tối và đối với họ, có lẽ những năm sung mãn của tuổi trẻ mới thực sự thành công hơn so với sau này. Đấy chính là bản chất của câu chuyện - phải nhấn mạnh rằng nhu cầu vươn lên ở những con người “khiêm tốn” về mặt thành tích đã tạo nên thành công. Ở họ có những tố chất tiềm ẩn và sức sống mãnh liệt hơn rất nhiều so với những nhân vật đã được nếm trải những thành công, dù thực tế không thể phủ nhận kinh nghiệm từ thành công là thứ cần thiết.
Song sự thật của các đội bóng lớn của Premier League hiện tại là họ đang phải trả giá đắt cho những người đã thành danh, trái lại vô tình bỏ qua những nhân tố mới mẻ như Claudio Ranieri - sự lựa chọn tẻ nhạt khi ông được bổ nhiệm dẫn dắt Leicester bởi “bảng vàng thành tích” của ông sáng giá nhất là chiếc Siêu Cúp châu Âu năm 2004. Nó chính là “sự dối lừa lớn nhất” trong quan điểm của Gary Lineker khi ông viết trên Twitter và như huyền thoại bóng đá Anh giải thích thì “đôi khi chúng ta quên mất rằng sự nghèo nàn thành tích của một HLV không phải vì họ yếu kém”.
Vấn đề là họ thiếu đi điều kiện đủ để thành danh và vấn đề cũng chính vì chưa thành danh nên sự sáng tạo của họ càng lớn, trái lại là sự hạn chế đi ít nhiều ở những con người thành công, như Jose Mourinho và phần nào cả Pep Guardiola là một ví dụ. Vì thế, con đường thay đổi và phát triển của các đội bóng lớn Premier League, ở khía cạnh tìm kiếm HLV, không nhất thiết cứ phải những thuyền trưởng danh tiếng. Có thể chỉ từ những người rất “nghèo nàn và đơn giản” như Claudio Ranieri.
Sự nghiệp huấn luyện nghèo nàn
VĐ giải hạng 3 Italia 1988/89
VĐ Serie B 1993/94
Coppa Italia 1995/96
SC Italia 1996
Cúp nhà Vua 1998/99
SC châu Âu 2004
VĐ Hạng 2 Pháp 2012/13
HLV của tháng Premier League (9/2003, 3/2004, 11/2015).