Và người vừa lên tiếng phàn nàn, bày tỏ mối lo ngại này là Keith Hackett, một trong những nhân vật lãnh đạo của PGMOB (Ủy ban quản lý trọng tài của các trận đấu chuyên nghiệp tại Anh). “Chúng tôi thường nói với các trọng tài trước vòng đấu rằng: “Này các anh, chúng tôi không muốn thấy dù chỉ 1 lỗi tai hại cuối tuần này”. Tuy vậy, nếu trước đây cứ 10 trận mới có 1 sai lầm nghiêm trọng của các trọng tài thì tỷ lệ này giờ là 1 lỗi/4 trận”, Hackett tiết lộ.
Nguyên nhân quan trọng khiến lực lượng “cầm cân nảy mực” tại Premier League mùa này được cho là đang thực thi nhiệm vụ tồi chưa từng thấy, theo Hackett, xuất phát từ tính chất đội ngũ kế thừa. “Những trọng tài giỏi như Howard Webb, Mark Halsey đã giải nghệ. Phil Dowd, Lee Probert cũng vậy và chúng chưa có những sự thay thế chất lượng tương xứng. Có thể chúng ta đang có những trọng tài uy tín như (Mark) Clattenburg, (Mike) Dean, (Anthony) Taylor and (Michael) Oliver, nhưng còn khá nhiều người vẫn chưa thể kiểm soát tốt trận đấu, kiểm soát cầu thủ cũng như sức ép từ các khán đài”.
Được biết, cựu trợ lý trọng tài từng làm việc ở World Cup, Glenn Turner, vừa công bố kết quả điều tra kết hợp với trang YouaretheRef.com cho thấy, tính đến hết trước vòng đấu cuối tuần qua, sau 333 trận, các trọng tài đã mắc tới 84 lỗi nghiêm trọng bao gồm những phán quyết sai lầm dẫn tới bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ... Như thế, trung bình cứ 3,96 trận lại có 1 sai lầm có thể ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc.
Nhìn ở khía cạnh “tích cực” nhất, những trọng tài ít mắc lỗi nghiêm trọng gồm có Mark Clattenburg, người sẽ đại diện cho nước Anh bắt ở EURO Hè này trung bình 5,4 trận mới mắc 1 sai lầm tai hại từ đầu mùa. Trọng tài Martin Atkinson, một gương mặt khác cũng sẽ làm việc ở EURO tới đây, có tỷ lệ 1 lỗi nghiêm trọng/4,14 trận. Và tốt nhất là trọng tài Anthony Taylor, người mới mắc 3 lỗi nghiêm trọng sau 27 trận cầm còi mùa này, tức trung bình 9 trận mới mắc 1 lỗi. Ngược lại, ở nhóm vua sân cỏ bị chỉ trích và hứng chịu “gạch đá” nhiều nhất phải kể đến cái tên Jon Moss. Vị trọng tài 45 tuổi này đã mắc tới 13 lỗi có thể tác động tới kết quả chung cuộc sau 22 trận cầm còi mùa này, tức trung bình 1,69 trận lại mắc 1 lỗi.
Còn nhớ lần gần nhất Jon Moss gây scandal là trong trận Leicester - West Ham (2-2) hôm 17/04. Trận đó trọng tài này rút thẻ đỏ đuổi ngôi sao Jamie Vardy vì cho rằng anh này ngã vờ trong vòng cấm và sau đó “tặng” mỗi đội 1 quả phạt đền gây tranh cãi. Quyết định của Moss khiến Vardy nổi đóa để rồi tiền đạo này phải trả giá bằng án phạt treo giò 2 trận và tưởng như điều này sẽ hủy hoại giấc mơ vô địch của Leicester. May sao Leicester đã thắng đậm Swansea mà không cần Vardy và vẫn tràn trề cơ hội giành Cúp. Nhưng với những gì West Ham phải nếm trải từ chất lượng yếu kém của các trọng tài, HLV Bilic có cớ để… phát rồ với những vị vua áo đen. Và như xát muối vào nỗi đau của West Ham, kết quả nghiên cứu của cựu trợ lý trọng tài Glenn Turner đã chỉ ra rằng: Nếu không có những sai lầm tai hại của trọng tài, giờ vị trí của West Ham là số 2 chứ không phải dành cho Tottenham.
Rõ ràng, chưa biết chất lượng trọng tài ở Premier League mùa tới sẽ được cải thiện đến đâu, điều chắc chắn là một khi công nghệ dùng video hỗ trợ trọng tài nhằm đưa ra những phán quyết chuẩn xác nhất (công nghệ VAR) còn chưa được áp dụng, các đội, HLV, cầu thủ và NHM còn phải ca thán oán trách nhiều đối với lực lượng trọng tài. Chẳng nói đâu xa, sau khi chứng kiến tiếng còi “méo” của Jon Moss ở trận Leicester – West Ham, cựu thủ môn lừng danh Peter Schmeichel đã phải thốt lên rằng: “Ông trọng tài này đã “chơi thuốc” à…”!?
Bao giờ mới có VAR?
Công nghệ dùng video hỗ trợ trọng tài (VAR) sẽ được thử nghiệm ở Serie A bắt đầu từ mùa tới. Như thế, sớm nhất là mùa giải 2017/18 mới có thể hy vọng rằng công nghệ này được áp dụng tại Premier League. Với VAR, những tình huống gây tranh cãi ảnh hưởng tới cục diện trận đấu như pha bóng việt vị dẫn tới bàn thắng, bóng qua vạch vôi hay chưa, có phạt đền, thẻ đỏ hay không, sẽ được xử lý chuẩn xác nhất.