Biện pháp kiểm soát tài chính nhằm ngăn chặn việc các CLB chi tiêu quá nhiều cho quỹ lương từ nguồn thu BQTH - Điều được thông qua vào năm 2013 và BTC Premier League áp dụng trong 3 năm trở lại đây, theo gói BQTH 2013-16. Trong giai đoạn này, các CLB dự giải có quỹ lương từ 52 triệu bảng trở lên, bắt đầu từ mùa 2013/14, sẽ không được tăng quá 4 triệu bảng/mùa trong 2 mùa giải kế tiếp. Giờ mức trần lương cho 3 mùa tới vừa được thông qua. Và bởi gói BQTH giai đoạn 2016-19 mang về cho Premier League số tiền kỷ lục 8,3 tỷ bảng, tăng khoảng 70% so với gói hiện tại, nên mức trần lương áp cho các CLB cũng tăng. Cụ thể, mùa tới nếu CLB nào có quỹ lương từ mức 67 triệu bảng trở lên sẽ chỉ được tăng tối đa 7 triệu bảng trong lần lượt 2 mùa kế tiếp. Ngoài ra, còn có một cách tính khác được áp dụng. Theo đó, mùa tới CLB có thể công bố quỹ lương không tăng quá 19 triệu bảng so với quỹ lương của chính họ ở mùa giải 2012/13. Và đến mùa 2017/18 và 2018/19 thì mức tăng lần lượt không quá 27 triệu và 33 triệu bảng so với mùa 2012/13.
Sự thực, nếu lấy trần quỹ lương là 67 triệu bảng thì riêng mùa này có tới 11 CLB ở Premier League có quỹ lương vượt qua mốc trên. Và mùa tới khi 20 đội tranh tài được hưởng lợi rất nhiều từ gói BQTH 2016-19, xem ra sẽ có 2/3 số CLB nếu không muốn rằng có thể còn nhiều hơn thế những đội có quỹ lương vượt mức trần 67 triệu bảng. Và dù trong 2 mùa kế tiếp các đội này chỉ được tăng thêm 7 triệu bảng quỹ lương thì thực tế ngay từ mùa tới họ đã công bố quỹ lương thuộc diện khủng rồi. Mà chẳng nói đâu xa, nhóm tứ đại gia Chelsea, Man City, Man Utd hay Arsenal mùa này quỹ lương đã dao động từ mức 192 triệu bảng lên tới 215 triệu bảng, trong khi Tottenham cũng có quỹ lương tới 110 triệu bảng còn quỹ lương của Stoke hay Sunderland đã ở mức 72 và 71 triệu bảng.
Về lý thuyết, việc đặt ra mức trần quỹ lương là hành động cần thiết và đúng đắn. Nó giúp kiểm soát việc chi tiêu của các đội trong trả lương, đặc biệt là ở nhóm các đại gia, và phần nào mang lại công bằng cho những CLB vừa và nhỏ cũng như giúp tất cả tránh rơi vào khủng hoảng tài chính vì thâm hụt do chi trả lương. Thực tế, khi 2/3 số CLB dự giải tán thành việc áp dụng trần mức lương vào đầu năm 2013, nó được xem như biện pháp trói chân Chelsea và Man City, hai CLB được các ông chủ tỷ phú chống lưng, thường được bơm hàng chục hoặc thậm chí cả trăm triệu bảng mỗi mùa và phần lớn trong số này dùng vào việc chi trả lương cầu thủ (cũng như cân đối các khoản thua lỗ). Có thể hiểu thế này, nếu không có ràng buộc, quỹ lương của Chelsea năm nay là 215 triệu bảng, mùa tới họ có thể công bố quỹ lương 250 triệu bảng và mùa 2017/18 họ tiếp tục công bố quỹ lương lên tới 300 triệu bảng. Nhưng với quy tắc trần mức lương của BTC Premier League, một khi quỹ lương đã vượt trần thì mức tăng trong các mùa kế tiếp của các đội không thể vượt quá 7 triệu bảng/mùa.
Tuy vậy, biện pháp kiểm soát của BTC Premier League không phải chặt chẽ tuyệt đối. Hay nói chính xác, việc đặt ra mức trần quỹ lương hiện tại vẫn chỉ được xét trong phạm vi phân chia nguồn thu từ BQTH cho 20 CLB dự giải, nghĩa là BTC Premier League chỉ dựa vào doanh thu BQTH để đề ra một trần quỹ lương chung chung. Còn thực tế, nếu CLB chứng minh được rằng họ có các nguồn doanh thu khác, như thương mại, tài trợ quảng cáo... có thể bù vào quỹ lương thì BTC Premier League sẽ chỉ... nhắm mắt làm ngơ. Chẳng nói đâu xa, lấy Man Utd làm thí dụ. “Quỷ đỏ” vừa công bố doanh thu hoạt động thương mại trong quý gần nhất đạt 66,1 triệu bảng, tăng 42%, và họ có thể trút hết phần thu này bù vào quỹ lương để từ đó có thể thoải mái thổi phồng quỹ lương thêm nữa. Còn với Chelsea, thực tế quỹ lương của họ ở mùa 2013/14 là 190 triệu bảng, vượt xa mức trần 52 triệu bảng, và mùa này thay vì chỉ được tăng tối đa 8 triệu bảng, tức không quá 198 triệu thì quỹ lương của CLB hiện là 215 triệu. Tất nhiên, Chelsea đã lấy doanh thu từ các nguồn khác để bù vào nên mức trần quỹ lương mà BTC Premier League áp đặt chỉ gọi là... có cho vui, chẳng thể làm gì đội bóng thành London.
Rõ ràng, một điều không thể phủ nhận là với gói BQTH 3 mùa tới đạt mức giá kỷ lục 8,3 tỷ bảng, những CLB dự Premier League sẽ nhận được nhiều tiền hơn từ BTC. Đội VĐ mùa tới có thể nhận được 160 triệu bảng trong khi đội bét bảng cũng bỏ túi trên 90 triệu bảng, tức ngang với đội trong Top đầu mùa này có thể nhận. Khi ấy, thi đấu ở Premier League cũng đồng nghĩa với việc hái ra tiền, nó thôi thúc các CLB chi nhiều hơn đến mua sắm và đặc biệt là trả lương cao để lôi kép cầu thủ giỏi từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Điều này làm tăng sức hấp dẫn, chất lượng, sự cạnh tranh cho Premier League. Nhưng mặt trái rủi ro là sự bùng nổ về quỹ lương và nó giống như quả bom nổ chậm có thể phá tan tành một CLB hay thậm chí dẫn tới sự sụp đổ của cả giải đấu, nếu không được kiểm soát chặt chẽ hơn.