NHA và thách thức trong “mối quan hệ” với châu Á

chủ nhật 15-11-2015 18:44:14 +07:00 0 bình luận
Châu Á đang là thị trường “đẻ ra tiền” của Premier League, nhưng giải đấu cao nhất nước Anh không hoàn toàn “một mình một cõi” tại châu lục này khi những giải đấu lớn khác cũng đang lên kế hoạch chiếm lĩnh, và ngoài ra còn những nguy cơ khác.

Tại châu Á, sự hiện diện của Premier League thể hiện mạnh mẽ nhất có lẽ nằm ở Hong Kong (Trung Quốc).

Thậm chí sau khi Chính phủ Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc năm 1997, những lá cờ của Man Utd, Chelsea, hay Liverpool vẫn tiếp tục hiện hữu khắp xứ Cảng thơm.

Đơn giản chỉ cần bước vào một cửa hàng bán đồ thể thao tại Đảo Hong Kong hay khu Cửu Long, sẽ thấy sự áp đảo của trang phục áo đấu các CLB Premier League.

Mối quan hệ quá khứ giữa Anh và Hong Kong có lẽ là lý do hợp lý nhất giải thích vì sao Ngoại hạng Anh được yêu thích như vậy tại mảnh đất này. Dĩ nhiên, ảnh hưởng của Premier League tại châu Á không giới hạn ở Hong Kong.

La Liga, Serie A, Bundesliga chắc chắn không chấp nhận chỉ được “miếng bánh” nhỏ trong một thị trường nhiều tiềm năng như châu Á. Theo từng chiến lược khác nhau, những giải đấu này đang từng bước thực hiện kế hoạch giành giật thị phần với Premier League tại châu Á; và nơi họ tập trung tấn công là Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới mà Premier League không thực sự thống trị như những quốc gia khác.

Hồi đầu mùa, BTC La Liga đạt được thoả thuận có thời hạn 5 năm với Tập đoàn Suning để phát sóng các trận đấu thuộc giải đấu tới hơn 300 thành phố của Trung Quốc. Mối quan hệ đang dần khăng khít giữa quốc gia này với giải đấu cao nhất TBN còn thể hiện ở những nhà tài trợ Trung Quốc tại các CLB La Liga.

Theo thống kê, có tới 16 CLB La Liga có liên hệ với người Trung Quốc, từ dạng chủ sở hữu, tài trợ đến các dự án thương mại. Nỗ lực tiếp cận gần hơn thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung của BTC La Liga còn ở quyết định điều chỉnh giờ thi đấu các trận cầu đinh.

Cũng có những điều chỉnh giờ giấc, Serie A thậm chí còn đưa trận Siêu Cúp của họ sang tận Trung Quốc vài năm trở lại đây trong kế hoạch tấn công thị trường châu Á. Trong khi đó các CLB (AS Roma, Inter) cũng có kế hoạch riêng của mình, ví dụ như để các cầu thủ bập bẹ một vài tiếng Trung Quốc như Chúc mừng năm mới và gửi tới NHM quốc gia này vào dịp bước sang năm mới và Tết âm lịch.

Có thể những nỗ lực của La Liga, Serie A và cả Bundesliga hiện tại là chưa đủ để cạnh tranh với Premier League một cách sòng phẳng. Nhưng nhìn về lâu dài, rõ ràng người Anh không thể ngồi yên rung đùi yên tâm giá bản quyền truyền hình tăng đều từng gói.

Song thách thức không hề nhỏ cho cả Premier League cũng như La Liga, Serie A hay Bundesliga trong mục tiêu kiếm lợi nhuận tại châu Á, đó là tình trạng vi phạm bản quyền. Sự lỏng lẻo trong quản lý tại các nước sở tại, đặc biệt ở Trung Quốc và Đông Nam Á - thị trường lớn nhất của những giải đấu này - khiến áo đấu, đồ lưu niệm giả bày bán tràn lan, với giá rẻ gấp hàng chục thậm chí hàng trăm.

Doanh thu bị thất thoát ở những thị trường trên không phải nguy cơ nữa, mà nó hiện hữu hàng ngày, hàng giờ. Và muốn giải quyết rốt ráo, có lẽ phải đặt kế hoạch… vài chục năm lần thứ nhất trở lên (?!)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm