1. Cho đến thời điểm này của mùa giải, Jesse Lindegaard chính là gương mặt nổi bật nhất trong số những sản phẩm cây nhà lá vườn của Man Utd được đôn lên đội 1. Cầu thủ tấn công 22 tuổi này có 4 lần ra sân tại Premier League, thêm 2 trận ở Champions League và anh vừa ghi bàn đầu tiên cho CLB. Trước đấy, cầu thủ trẻ gốc Brazil, Andreas Pereira, cũng đã ít nhiều để lại dấu ấn (3 trận, 1 bàn). Và nếu tính cả sự xuất hiện của Cameron Borthwick-Jackson, hậu vệ 18 tuổi được tung vào sân thay Marcos Rojo cuối tuần qua, đó là cầu thủ thứ 6 từ lò đào tạo trẻ Man Utd được ra sân 1 trận chính thức ở đội 1 mùa này (tính cả Adnan Januzaj đã chuyển sang Dortmund).
Còn nhớ, cuối tháng trước khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình của CLB, HLV Louis van Gaal từng tái khẳng định: “Tin tưởng và tạo điều kiện tối đa cho cầu thủ trẻ, đó là một phần triết lý của tôi cũng như của Man Utd”. Nhìn lại bề dày truyền thống đáng tự hào với công tác đào tạo trẻ, Man Utd từng giữ kỷ lục 78 năm liên tiếp với 3.745 trận đấu, kể từ năm 1937, CLB luôn có một cầu thủ từ lò đào tạo trẻ xuất hiện trong danh sách thi đấu ở mỗi trận. Còn trong sự nghiệp của mình, HLV Van Gaal đã giúp không ít cầu thủ trẻ trưởng thành, thậm chí thành những ngôi sao hàng đầu. Có thể kể ra Kluivert, Davids, Seedorf ở Ajax, hay Xavi, Iniesta tại Barca và gần nhất là những Mueller, Alaba, Badstuber ở Bayern Munich. Nhưng sau cùng liệu đó có phải cơ sở để kỳ vọng rằng sẽ có 1, 2 hoặc thậm chí một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng nữa sẽ được cho ra lò dưới triều đại Van Gaal và tương lai sẽ giúp Man Utd gặt hái những danh hiệu?
2. Tạm lấy trường hợp của Jesse Lingard làm điển hình. Nếu coi đây là sản phẩm cây nhà lá vườn tốt nhất của Man Utd hiện tại thì hãy nhớ rằng anh sẽ bước sang tuổi 23 vào tháng tới, nghĩa là không còn quá trẻ trung nữa. Ở lứa tuổi ấy, nhiều cầu thủ đã đạt tới đẳng cấp châu lục, ví như tiền vệ Paul Pogba, cái tên hẳn khiến Man Utd và Sir Alex Ferguson đến giờ còn thấy hối hận vì để sổng anh tới Juventus. Thực tế, 3 năm qua Lingaard được đem cho mượn ở 3 CLB khác nhau và những màn trình diễn của anh ở đó cũng chỉ ở mức “khá ổn”.
Còn khi trở lại Man Utd mùa này, sự sa sút của Memphis Depay hay việc một tài năng trẻ khác là Adnan Januzaj bị HLV Van Gaal ghẻ lạnh, cơ hội mới đến nhiều hơn cho Lingard. Thậm chí, nếu so với chính Januzaj, người có phong cách chơi khá tương đồng, Lingaard bị đánh giá kém hơn hẳn. Tóm lại, người ta chưa nhìn thấy tiềm năng to lớn để vươn đến đẳng cấp hàng đầu ở Lingard. Còn với những Paddy McNair, James Wilson, Alex Tuanzebe, Ro-Shaun Willilams hay Andreas Pereira, cần rất nhiều thời gian để kiểm chứng cả vè tác phong tập luyện, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh, tâm lý. Một vài trong số họ mới chỉ gây chút ít ấn tượng ở mùa trước và những người còn lại mới được Nicky Butt - thành viên thế hệ vàng 92’ giờ là HLV U-19 Man Utd - “định dạng” là “tràn đầy tiềm năng phát triển”.
3. Còn nhớ mùa trước tờ Mirror đã chỉ ra rằng sau có tới 15 cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo trẻ của Man Utd được đôn lên tập luyện hoặc ngồi dự bị hoặc thi đấu tại Premier League. Con số này cao gấp đôi so với số cầu thủ trẻ được sử dụng tại Arsenal, gấp 400% lần so với Chelsea và gấp 500% lần so với kình địch cùng thành phố Man City. Đấy là mùa đầu tiên của Louis van Gaal ở sân Old Trafford.
Giờ là mùa thứ 2 và số lượng không còn nhiều đến thế. Thậm chí, rất nhiều cái tên ở mùa trước đã bị đẩy đi như Jonny Evans, Adnan Januzaj, Danny Welbeck, Tom Cleverley, Tyler Blackett, Darren Fletcher, Ben Amos, Reece James... Đó không phải một cuộc sàng lọc nhằm lựa chọn lấy những sản phẩm cây nhà lá vườn tốt nhất để ươm cho phát triển. Đáng ngại hơn, người ta không biết thực sự đã nhắm đến những cầu thủ nào ở tuyến trẻ để bồi dưỡng, trao cơ hội. Và xa hơn liệu HLV người Hà Lan thực sự có kế hoạch nhào nặn lên 1, 2 ngôi sao tương lai hoặc thậm chí cả một thế hệ vàng mới cho Man Utd hay không.
Cần phải nhớ rằng Van Gaal vẫn luôn mồm khẳng định ông sẽ ra đi khi hợp đồng hết hạn, tức là vào mùa hè 2017, còn 1 năm rưỡi nữa.
Thật khó tin, trong 3 năm ở Old Trafford, Van Gaal sẽ để lại di sản là một thế hệ vàng cho Man Utd khi mà đến giờ còn chưa thấy 1 hay 2 gương mặt trẻ trung nào thực sự chất lượng và có vị trí ổn định trong đội hình ở 1 mùa rưỡi đã qua. Đừng quên là trong 26 năm tại vị, Sir Alex Ferguson cũng chỉ nhào nặn được duy nhất một thế hệ vàng. Còn hiện tại, hẳn người ta nhớ nhiều hơn đến việc Van Gaal đã đốt 250 triệu bảng mua sắm cầu thủ trong 2 kỳ chuyển nhượng hè, mà trong đó có 1 bản hợp đồng kỷ lục thế giới cho cầu thủ 19 tuổi - Anthony Martial, còn Memphis Depay được đưa về với kỳ vọng sẽ trở thành “Cris Ronaldo mới”. Nhưng nếu mất tiền mua được những cầu thủ trẻ trở thành ngôi sao lớn trong tương lai thì chẳng tiếc. Còn nói gở, nếu những Martial hay Depay thui chột dần thì khi đó không biết một “thế hệ” mà Van Gaal để lại cho người kế nhiệm - nhiều khả năng là Ryan Giggs, một thành viên thế hệ vàng 92’ - sẽ phải gọi là... “đống” gì?
“Ươm” chẳng bõ, mua cho nhanh
Ươm trồng tài năng chưa biết bao giờ mới lớn và cho quả ngọt. Thực tế là Louis van Gaal đã “nướng” hơn 132 triệu bảng để mua về những cầu thủ trẻ được đánh giá là rất có tiềm năng và đã phần nào thể hiện được bản lĩnh, trong 2 kỳ chuyển nhượng hè vừa qua. Suy cho cùng thì đó cũng là điều dễ hiểu, bởi ông chỉ làm việc ở sân Old Trafford 3 mùa và đâu thể đánh cược rủi ro vào những cái tên trẻ còn vô danh từ lò đào tạo của Man Utd.
2. Đó là số bàn thắng mà những cầu thủ trẻ thế hệ 9x được đôn lên đội 1 mới ghi cho Man Utd mùa này. Tác giả của 2 pha lập công ít ỏi đó là Jesse Lingard (2-0 West Brom) và Andreas Pereira (3-0 Ipswich Town, Cúp LĐ Anh).