Với Brendan Rodgers, Liverpool đá theo kiểu “rap” với những đường chuyền ngắn và nhanh nhằm tăng quyền cầm bóng, song lại thiếu độ “bén” cần thiết để chuyển ưu thế thành bàn thắng. Đấy ắt hẳn là lý do khiến chủ sân Anfield nay giao phó đội bóng cho Jurgen Klopp – chiến lược gia ưa thích rock, thậm chí còn là “heavy metal” chứ không phải slow rock hoặc rock ballad. Khát vọng được thấy Liverpool mạnh mẽ và sắc bén hơn là giấc mơ có thể thành hiện thực, không chỉ vì Klopp hiện có 2 danh hiệu vô địch Bundesliga, khác hẳn Rodgers tới giờ vẫn trắng tay.
Bởi lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà lối chơi được Klopp vận dụng cũng được ví như “heavy metal”. Ông giải thích: “Tôi luôn muốn náo nhiệt. Tôi thích ‘bùm bùm!’. Tôi thích thứ bóng đá tấn công, chứ không nhàn nhã. Đó là lối chơi mà chúng tôi còn gọi là ‘kiểu Anh của người Đức’. Đá hết mình dưới mưa trên mặt sân lầy lội, ra về với gương mặt lấm lem và không đủ sức chơi bóng suốt cả tháng”. Cụ thể hơn, lối chơi mà Klopp hướng tới bao gồm tốc độ, đẹp mắt mà máu lửa. Phong cách ấy ngược hẳn Pep Guardiola hoặc Jose Mourinho do coi trọng tốc độ cùng tính cơ động hơn kỷ luật chiến thuật.
Và đương nhiên, lối chơi ấy không quá xa lạ với truyền thống của Anh, nên rất có thể người Merseyside sẽ hào hứng rock với “Never walk alone!”. Với triết lý của Klopp, sẽ rất thường thấy cảnh các cầu thủ Liverpool ập vào tranh cướp hoặc đeo bám dữ dội ngay khi mất bóng, khiến đối phương khó có thể phản công hiệu quả. Đợi tới lúc Liverpool đoạt lại bóng, đối phương nhiều khả năng không còn duy trì được cự ly đội hình lý tưởng nên tạo khoảng trống cho đoàn quân của Klopp tấn công.
Thế nhưng, lối chơi pressing toàn sân của Klopp không có nghĩa là Liverpool sẽ đá phòng thủ – phản công, mà thực chất là cầm bóng và tấn công nhanh. Bởi như những âm thanh điện tử chát chúa và sắc bén, các đội bóng của Klopp chủ trương dùng tốc độ cao đánh gục đối thủ trên diện rộng, thay vì chỉ gói gọn ở các đường lên bóng dọc hai biên. Nhờ đó, họ có thể tấn công vào bất kỳ khu vực nào. Điều đó giải thích tại sao Dortmund luôn tỏ ra đáng gờm ở thế trận mở, khi đối phương còn chưa kịp xốc lại đội hình.
Chỉ có 39 bàn thắng đến từ tình huống cố định trong tổng số 469 bàn của các học trò Klopp càng khẳng định hiện tượng đó.
Dù vậy, thất bại của Klopp ở mùa cuối có thể xem như lời cảnh báo cho Liverpool cần giám sát kỹ lối chơi “heavy metal” của ông thầy người Đức. Đấy là thời điểm mà các học trò của ông đã “rock” liên tục 4-5 năm, nên thể lực không còn đáp ứng với yêu cầu. Hậu quả là trong kỷ nguyên của Klopp, Dortmund chỉ đạt tỷ lệ thắng có 55,88%, chủ yếu do mùa cuối quá tệ. Vì các CLB hàng đầu của Anh thường đá tới 4 giải mỗi mùa (Champions League/Europa League, Premier League, FA Cup và League Cup), Klopp xem ra cần chú ý để phân phối sức của các học trò thật hợp lý, nhất là khi ông muốn “Never walk alone!” phải được thể hiện theo phong cách “heavy metal”.
Minh Châu
Jurgen Klopp được hưởng lương gấp đôi Brendan Rodgers. Liverpool trả cho Klopp 7 triệu bảng/năm trong 3 mùa, so với người tiền nhiệm chỉ có 3,25 triệu bảng/năm. Tại Premier League, Klopp hiện đứng thứ 4 sau Jose Mourinho (Chelsea, 13,2 triệu bảng/năm) và Arsene Wenger (Arsenal, 8,3 triệu bảng/năm) và Louis van Gaal (Man Utd, 7,3 triệu bảng/năm).