Leicester: Trong thành công dự báo thịnh suy

thứ bảy 7-5-2016 17:19:33 +07:00 0 bình luận
Hệ thống 4-4-2 vừa giúp Leicester gây sốc trong 24 năm lịch sử Premier League có những đặc điểm chẳng dễ bắt chước, ngay cả với “Bầy cáo” sau mùa này.

Không cần chuyền và cầm bóng tốt

Hiệu quả, kỷ luật, quyết liệt, phối hợp và phản công nhanh chính là 5 yếu quyết quan trọng trong hệ thống 4-4-2 cổ lỗ của Claudio Ranieri giúp Leicester bất ngờ trở thành nhà vô địch Anh mùa 2015/16. Trước hết hãy bàn tới tính hiệu quả: Thể hiện của “Bầy cáo” trông hiền như cừu, song thực tế đáng sợ như sói, vì trong Top 3 CLB được đánh giá là đưa bóng lên dứt điểm nhanh nhất Premier League mùa này, Tottenham chuyền nhiều nhất (17.512 lần so với West Ham 13.880 và Leicester 12.586), sút chính xác nhiều nhất (241 lần so với West Ham 164 và Leicester 166), nhưng tỷ lệ giữa chuyền với sút chỉ vượt trội West Ham chứ chẳng hơn Leicester bao nhiêu (72,7 chuyền/sút so với West Ham 84,6 còn Leicester 75,8). Và nếu xét đến hiệu quả, Leicester mới là số 1 với 64 bàn, bình quân 196,7 đường chuyền/bàn, hơn hẳn West Ham 30 bàn, bình quân 231,3 đường chuyền/bàn và Tottenham 67 bàn, bình quân 261,4 đường chuyền/bàn.

Do chú trọng vào hiệu quả, Claudio Ranieri không yêu cầu các học trò bung sức tới mức phung phí.

Do chú trọng vào hiệu quả, Claudio Ranieri không yêu cầu các học trò bung sức tới mức phung phí.

Do chú trọng vào hiệu quả, Claudio Ranieri không yêu cầu các học trò bung sức tới mức phung phí, mà chủ yếu lùi sâu phòng ngự và thoải mái phá bóng lên cho tới lúc có cơ hội phản công cho Jamie Vardy và Shinji Okazaki khi tìm thấy các khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương. Tất nhiên là hồi đầu mùa, việc này đơn giản hơn do đối thủ xem Leicester như ứng viên rớt hạng nên không ngại đẩy các hậu vệ biên dâng cao, tạo điều kiện cho “Bầy cáo” đột phá. Điều này giải thích tại sao hiện không có nhà vô địch Premier League nào cầm bóng ít như Leicester, hoặc để mất bóng nhiều như họ. Bằng chứng là mùa này, Leicester chuyền bóng chính xác chỉ 70%, số đường chuyền mỗi trận chỉ 349,6 lần và thời gian cầm bóng chỉ 42,4%, trong lúc những nhà vô địch trước đó đều tỏ ra vượt trội ở những thông số này như Chelsea 2014/15 với 83,2%, 533,4 lần và 55.8%, Man City 2013/14 với 86.0%, 548,2 lần và 57,9% hoặc Man Utd 2012/13 với 85,7%, 518,0 lần và 56,5%...

Bài học từ tháng ngày lọt lưới liên tục

Lẽ dĩ nhiên, nhắc tới kỳ tích Leicester mà bỏ qua 4-4-2 là thiếu sót không thể chấp nhận. Bởi lẽ, nhiều HLV vẫn sợ hệ thống 4-4-2 sẽ để tiền vệ trung tâm và cặp trung vệ bị tấn công trực diện lúc đội nhà không có bóng. Nhưng đối với HLV Claudio Ranieri, đấy chẳng phải vấn đề do các cầu thủ của ông rất tuân thủ kỷ luật chiến thuật và hoạt động năng nổ, đặc biệt cặp tiền vệ trung tâm Danny Drinkwater và N’Golo Kante luôn chịu khó di chuyển nên thuộc Top 20 Premier League chạy nhiều nhất mùa này.

Danny Drinkwater thuộc Top 20 Premier League chạy nhiều nhất mùa này.

Danny Drinkwater thuộc Top 20 Premier League chạy nhiều nhất mùa này.

 Song song đó, hai cầu thủ chạy cánh của Leicester luôn sẵn sàng lui về tranh chấp bóng còn các hậu vệ biên thường ở vào vị trí phòng thủ thay vì tìm cách dâng cao tham gia tấn công. Thậm chí tiền đạo như Shinji Okazaki cũng không ngại lui về đeo bám đối phương khiến hệ thống thi đấu của Leicester khi mất bóng thường trông tương tự 4-5-1. Đây là bài học mà “Bầy cáo” rút ra được sau mấy tháng đầu chứng kiến hàng thủ dễ dàng bị xuyên thủng khiến tới cuối tháng 10/2015 mới có lần đầu giữ sạch lưới tại Premier League và tới cuối tháng 11/2015 mới có được lần thứ hai không lọt lưới. Một khi mọi cầu thủ Leicester đều biết rõ trách nhiệm nếu đứng chệch vị trí, “Bầy cáo” ngày càng biết cách giữ cự ly đội hình tối ưu để chịu đựng áp lực tốt hẳn lên.

Thận trọng hơn và chạy nhiều hơn

Leicester chạm đến vinh quang còn do sẵn sàng điều chỉnh lối chơi cho phù hợp với từng đối thủ. Nguyên nhân là do từ nửa sau của mùa bóng, các đối thủ bắt đầu coi trọng “Bầy cáo” hơn trước, nên hàng thủ không còn để lộ nhiều khoảng trống cho các học trò của Claudio Ranieri phản công. Vì vậy, “người thợ hàn” buộc phải có những thay đổi, mà trước hết là thận trọng hơn nhằm ngăn ngừa nguy cơ lọt lưới trước trong bối cảnh rất khó ghi bàn gỡ hòa. Hệ quả là trong 18 vòng qua, họ giữ sạch lưới tới 12 lần.

Các hậu vệ biên Leicester thường ở vào vị trí phòng thủ thay vì tìm cách dâng cao tham gia tấn công.

Các hậu vệ biên Leicester thường ở vào vị trí phòng thủ thay vì tìm cách dâng cao tham gia tấn công.

 Tuy nhiên, Leicester không chỉ thận trọng hơn, mà cũng quyết liệt hơn. Bởi bằng cách nhập cuộc và tấn công thật nhanh để có bàn thắng, họ sẽ đẩy đối thủ vào thế phải rượt đuổi. Vì vậy, Leicester trở thành đội mở tỷ số tới 14/16 trận qua. Hình ảnh ấy khác hẳn trước đây, khi họ rơi lại phía sau tới 5 trong 9 vòng đầu. Và khi trở thành “thợ săn”, họ cũng thay đổi cách dùng thể lực. Trong lúc tính cần cù được xem như chìa khóa thành công cho các học trò ông Claudio Ranieri suốt mùa này, họ không cố gắng áp sát đối phương mọi lúc, song tuyệt đối không cho phép đối thủ triển khai tấn công dễ dàng. Nhờ đó mà ở 9 trong 10 vòng qua, Leicester có nhiều thời gian chạy với tốc độ cao (bình quân 19,8-25,2km/h) hơn đối phương. Đây là điều mà họ chỉ làm được ở 11/26 vòng trước.

Sở hữu bộ tứ tuyệt vời

Yếu tố nữa tạo ra thành công cho Leicester là sự hiện diện của bộ tứ đều có tên trong Đội hình mẫu 2016 của PFA: Robert Huth, Wes Morgan, Danny Drinkwater và N’Golo Kante. Những sự phối hợp này đem đến hiệu quả cao là do họ thường xuyên được chơi cạnh nhau, như cặp trung vệ Robert Huth và Wes Morgan. Vì thế, nhiều đội thường chủ trương chỉ sử dụng 1 trung vệ dập để giải nguy, nhưng Leicester xài luôn cả cặp mà vẫn hiệu quả cao khi Wes Morgan phá bóng 206 lần (thứ 4 Premier League) và cản bóng 37 lần (thứ 3 Premier League), trong lúc Robert Huth phá bóng 258 lần (thứ 4 Premier League) và chặn bóng 34 lần (thứ 5 Premier League).

Không có cầu thủ nào lập công trên sân đối phương nhiều như Riyad Mahrez.

Không có cầu thủ nào lập công trên sân đối phương nhiều như Riyad Mahrez.

 Trong khi đó, Danny Drinkwater và N’Golo Kante kiểm soát gần như từng tấc đất. Ngoài 7 pha kiến tạo, Danny Drinkwater còn xếp trong tốp đầu Premier League về số lần thu hồi bóng, chứng tỏ anh là mẫu tiền vệ toàn diện thế nào. Thế nhưng, vì Leicester thường có nhiều thời gian chơi không bóng, thông số của N’Golo Kante càng ấn tượng hơn khi đứng đầu về số pha tắc bóng (158) và chặn bóng (148), thứ 3 về số lần thu hồi bóng (310) và hạng 15 về quãng đường di chuyển (364,8km). Nhìn lên phía trên, Leicester cũng rất đáng gờm khi không có cầu thủ nào lập công trên sân đối phương nhiều như Riyad Mahrez (12 bàn, 4 pha kiến tạo), trong lúc Sergio Aguero là cầu thủ tấn công duy nhất thể hiện trên sân nhà tốt hơn Jamie Vardy (12 bàn, 3 pha kiến tạo).

Mọi yếu tố nêu trên hợp lại đem đến vinh quang cho Leicester mùa này, nhưng cũng chính vì vậy mà dễ dàng tạo hoài nghi về khả năng vô địch của “Bầy cáo” sau mùa 2015/16. Vì trong lịch sử Premier League, Man Utd 1992/93 là đội vô địch duy nhất sử dụng một đội hình chính thường xuyên hơn Leicester mùa này. Nhưng ngay mùa sau, HLV Claudio Ranieri hầu như không có điều kiện để quyết định tương tự, vì Leicester buộc phải xoay tua để dự Champions League. Một khi đội hình chính không còn cố định khiến các cầu thủ mất dần ăn ý, Leicester có thể duy trì được sức mạnh như hiện nay? Đấy là chưa kể nỗ lực chèo kéo “sao” từ các đội lớn có thể khiến hệ thống tấn công của “Bầy cáo” mất hẳn cân bằng như hiện nay nên có thể gây ảnh hưởng cho các tuyến khác. Lúc đó, Leicester sẽ không thiếu rắc rối.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm