Bản quyền truyền hình mới trị giá 5,1 tỷ bảng và có thể tăng lên đến 8 tỷ bảng nếu đạt được thỏa thuận với các đối tác nước ngoài được xem như thành công không chỉ của riêng Premier League, vì còn được kỳ vọng đóng góp nhiều hơn cho xã hội Anh. Tuy nhiên, bất chấp một cam kết gần đây của Premier League cho biết mọi thành viên của tổ chức này sẽ tham gia chiến dịch trả mức lương đủ sống cho mọi nhân viên dù hàng năm phải đóng 2,4 tỷ bảng tiền thuế và đem đến hơn 100.000 công việc cho xã hội, vẫn có những người như Rhys Moore, giám đốc của tổ chức Living Wage Foundation - tin rằng thiện chí ấy vẫn chưa đủ. Vì một khi những CLB nằm ngoài Premier League như Luton Town và Heart of Midlothian còn có khả năng trả mức lương đủ sống cho mọi người lao động của họ, Premier League cần thể hiện nhiệt tình và hào phóng hơn hiện nay.
Quan điểm đó cũng được Bộ trưởng Văn hóa Anh là John Whittingdale tán thành, khi trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông tuyên bố: “Theo góc nhìn của tôi thì mọi người có liên quan đều xứng đáng được hưởng lợi từ thành công của Premier League. Thế nhưng, thật khó chối cãi rằng tổ chức này vẫn chưa đền đáp tất cả thật thỏa đáng”. Trên thực tế thì hồi tháng 3 năm nay, toàn bộ 20 CLB Premier League đều cam kết đáp ứng mức lương đủ sống 9,15 bảng/giờ ở London và 7,85 bảng/giờ ở bên ngoài thủ đô kể từ đầu mùa 2016/17. Cá biệt trong số đó, Chelsea hiện là đội duy nhất đã trả mức lương đủ sống cho toàn bộ nhân viên. Dù vậy, Premier League vẫn bị chỉ trích vì trong kế hoạch cải tổ, không ít đội đang tìm cách phớt lờ chế độ mới cho các nhân viên an ninh, bếp núc và quét dọn.
Sự ích kỷ của Premier League càng thể hiện rõ khi Richard Carbon - thành viên của Football Foundation tố cáo tổ chức này chưa từng chịu “nhả” ra tới 5% thu nhập khổng lồ từ bản quyền truyền hình để hỗ trợ cho bóng đá cộng đồng. Cho tới nay, con số 168 triệu bảng mà Premier League “nhường cơm, xẻ áo” thực chất chỉ chiếm vỏn vẹn 3%. Carbon tâm sự: “Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều người phê phán các ông chủ CLB thiếu quan tâm tới đội tuyển Anh và bóng đá cơ sở. Bằng chứng là số tiền mà Premier League hỗ trợ cho cộng đồng ngày càng kém xa so với tiền bán bản quyền truyền hình của họ. Tôi dám hỏi các chủ tịch ở Premier League có ai khẳng định tổ chức này từng chi tới 5% từ khoản tiền đó cho chúng tôi? Hậu quả là giờ đây, số sân nhân tạo ở Anh thấp tới mức đáng thương so với các nước như Đức, trong lúc số HLV được đào tạo kém xa TBN”.
Nhân viên ở Serie A cũng khổ
Thật ra, tình trạng người lao động ở các CLB không nhận được lương đủ sống tồn tại chẳng chỉ ở Premier League, mà còn cả Serie A. Nguyên nhân chủ yếu là do các CLB đang gặp khó khăn tài chính, nên không đủ tiền để trang trải hết mọi chi phí thông thường. Đơn cử như mùa trước, Parma từng nợ công ty chuyên cung cấp nhân viên an ninh cho các trận đấu, dù khoản tiền chỉ cỡ 77.000 euro, không quá ghê gớm so với ngân sách hoạt động của các CLB. Còn ở mùa này, Napoli vừa tiết lộ việc CLB không thể thanh toán lương cho nhân viên an ninh kể từ tháng 4/2015, sau khi chi trả được 2 tháng đầu năm. Điều đáng buồn là thu nhập trong ngày thi đấu của mỗi nhân viên an ninh chỉ có 22,80 euro, trong lúc chính phủ Italia có kế hoạch đề ra mức lương tối thiểu trong 1 giờ từ 6,30-7,00 euro/giờ.
M.C