Sự xuống dốc khó hiểu của Chelsea ở mùa giải này sẽ còn được nhắc lại nhiều. Nhà đương kim vô địch giống như một kẻ say rượu bước đi loạng choạng trên con đường bảo vệ ngôi vương Ngoại hạng Anh, danh hiệu mà Leicester City đang thèm khát hơn bao giờ hết. Sau thất bại hôm thứ hai trên sân King Power, Chelsea rơi xuống vị trí thứ 16, với một điểm nhiều hơn nhóm xuống hạng. Chỉ 1 điểm nhiều hơn!
Cùng lúc đó, Manchester United cũng đang vật lộn trên con đường tới ngôi vô địch. Paul Scholes, huyền thoại của Man Utd, tích cực lên truyền hình chỉ trích đội bóng cũ. Với chỉ 3 chiến thắng trong 12 trận gần nhất, Louis Van Gaal như ngồi trên đống lửa, còn các cầu thủ bắt đầu tỏ ra chán nản.
Hiếm khi người ta thấy hai ông lớn của bóng đá Anh cùng sa lầy như hiện tại, đặc biệt hơn khi Arsenal không nằm trong số đó. Điều này đặt ra câu hỏi: Chelsea hay Man Utd đang lún sâu hơn vào bóng đen khủng hoảng?
Hãy cùng so sánh phong độ của các vị trí trong đội hình hai đội. Hãy xem ai tệ hơn ai.
- Thủ môn
Vị trí đáng tin cậy nhất của United hiện nay. Bất chấp pha cản phá quả phạt góc hời hợt trước Bournemouth, David De Gea tiếp tục thể hiện sự chắc chắn, cứu MU khỏi những bàn thua trông thấy. Sau vụ chuyển nhượng bất thành tới Real Madrid, thủ môn người Tây Ban Nha nỗ lực dành lại suất bắt chính và tiếp tục làm điểm tựa nơi hàng thủ MU.
Chelsea là đội có chiều sâu hơn ở vị trí này. Asmir Begovic bắt khá tốt khi Thibaut Courtois ngồi ngoài dưỡng thương. Tuy nhiên, sự lúng túng của thủ môn người Bosnia trước Leicester chưa thể khiến người hâm mộ yên tâm.
Khủng hoảng: Chelsea
- Hậu vệ
Nhìn vào Chelsea bây giờ, không ai có thể nghĩ rằng họ chỉ để lọt lưới 32 bàn trong mùa giải 2014/15. Vẫn là những con người đó, nhưng phong độ thì đã xuống trầm trọng.
Gary Cahill biểu diễn trong vòng cấm. John Terry bị thay ra ngay trong hiệp một trận gặp Man City và chắc suất dự bị. Ivanovic bên cánh phải mỏng manh như ngọn nến trước gió. Chữ kí mới của Chelsea, Papy ‘Baba’ Djilobodji, hầu như không xuất hiện trên sân.
Ngay cả Cesar Azpilicueta, vốn được coi là bức tường vững trãi bên cánh trái, cũng trở nên chậm chạp, chịu một phần trách nhiệm trong 26 bàn thua sau 16 trận ở Premier League. Có lẽ Jose Mourinho chưa từng huấn luyện một hàng thủ nào bết bát đến thế.
Ở phía đối diện, Man Utd phòng ngự khá chắc chắn. Van Gaal liên tục xoay tua các vị trí ở hàng phòng ngự, nhưng ông chưa bao giờ động tới Chris Smalling, một hòn đá tảng thật sự trong mùa giải này. Hãy nhìn vào thành tích của MU sau 16 trận: 12 bàn thua và 9 trận giữ sạch lưới.
Khủng hoảng: Chelsea
- Tiền vệ trung tâm
Hàng tiền vệ của hai đội không có nhiều điểm tích cực.
Bastian Schweinsteiger và Ander Herrera hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng đồng đội của họ thì không: Morgan Schneiderlin trận đá trận nghỉ, Michael Carrick đã xuống phong độ và Marouane Fellaini chỉ được coi là một giải pháp tình thế khi bế tắc.
Những tiền vệ của Chelsea cũng đang gặp khó khăn. Cesc Fabregas, cứu cánh của Mourinho, cạn dần những đường kiến tạo. Nemanja Matic chơi xuất sắc ở mùa trước nhưng giờ anh trở nên thiếu quyết đoán khi có bóng và bị qua mặt dễ dàng. Ramires và John Obi Mikel đóng góp rất ít, trong khi Ruben Loftus-Creek dường như bị cóng trước những chỉ trích gần đây của ông thầy.
Khủng hoảng: Hòa
- Tiền vệ công
Sự yếu kém của Eden Hazard đã được phân tích nhiều, nhưng tiền vệ người Bỉ không phải là người duy nhất xuống phong độ trong số những tiền vệ công của Chelsea: Oscar mờ nhạt, còn Pedro dần ‘tàng hình’ sau khởi đầu ấn tượng. Điểm sáng duy nhất là Willian. Những pha đá phạt mẫu mực và những bước chạy nhiệt huyết của anh đã giữ khán giả ngồi lại tới cuối trận đấu.
Man United không có tiền vệ công nào xuất sắc như vậy. Juan Mata thi đấu phập phù còn Memphis Depay đánh mất cảm hứng kể từ khi anh rời PSV Eindhoven. Hai cánh của MU thiếu vắng những đường tạt sắc lẹm và chỉ còn biết trông cậy vào Jesse Lingard – một cầu thủ trẻ xông xáo nhưng vẫn dừng lại ở mức tiềm năng.
Khủng hoảng: Man United
- Tiền đạo
Wayne Rooney và Diego Costa thi nhau trở thành gánh nặng cho đội bóng, trong khi Anthony Martial đang thể hiện tốt hơn Radamel Falcao và Loic Remy rất nhiều.
Khủng hoảng: Chelsea
- Phong độ ở Ngoại hạng Anh
Khó có thể nói MU đang gặp khó khăn lúc này nếu chỉ nhìn vào bảng xếp hạng. United đứng thứ 4, cách vị trí dẫn đầu 6 điểm. Nếu Chelsea được tặng 14 điểm khi mùa giải bắt đầu, giờ họ sẽ đứng ngang bằng với United. Đoàn quân áo xanh mới chỉ thắng 4 trận tới thời điểm này, hai trận trên sân nhà với Norwich City và Aston Villa. Nhưng đó là phong độ của những đội cầm đèn đỏ.
Khủng hoảng: Chelsea
- Phong độ đấu Cup
Hai đội đều gây thất vọng ở League Cup và bị loại ê chề ở vòng 16. Thất bại của United có lẽ đáng lo ngại hơn khi họ để thua đội hạng dưới Middlesbrough trong khi Chelsea thua Stoke City.
Vòng bảng Champions League chứng kiến sự khác biệt một trời một vực. Chelsea khởi đầu không như ý ở bảng G nhưng họ thắng liền 3 trận cuối và giành ngồi đầu bảng. Trong khi đó, United không hoàn thành nhiệm vụ của mình khi thất bại trước đội nhất bảng Wolfsburg và dâng luôn vị trí thứ hai cho PSV.
Khủng hoảng: Man United
- Lối chơi
Chelsea chơi tồi nhưng cái tồi của họ lại thú vị theo cách riêng. Costa tiếp tục thói quen gây gổ và câu lỗi với đối phương. Những cuộc cãi vã lặt vặt ngoài đường biên xảy ra liên tục giữa Mourinho và Fabregas, Mourinho và Hazard, Mourinho và bất cứ ai.
United chơi tồi theo đúng nghĩa đen. Old Trafford trở thành ‘Nhà hát của những giấc ngủ’: các cổ động viên đến sân với vẻ hồ hởi nhưng chẳng mấy chốc ủ rũ trước lối đá nhàm chán của đội bóng con cưng. Đoàn quân của Van Gaal đã hòa 5 trận với tỉ số 0-0 – một kỉ lục hòa mới trong lịch sử CLB kể từ khi Alex Ferguson ra đời.
Khủng hoảng: Man United
- Phương pháp huấn luyện
Đổ lỗi là thói quen của Mourinho. HLV người Bồ đổ lỗi cho cầu thủ, trọng tài, cậu bé nhặt bóng, đường biên và bất cứ thứ gì trong tầm nhìn của ông. Những phát biểu trước truyền thông – tiêu biểu là vụ lùm xùm với bác sĩ Eva Carneiro – càng lộ rõ sự bất lực của Mourinho với các cầu thủ cũng như tương lai của chính mình.
Ở chiều ngược lại, Van Gaal lại là một người bảo thủ, gạt bỏ mọi chỉ trích để trung thành với triết lý bóng đá của riêng mình. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, HLV người Hà Lan khuyên các cổ động viên nên ngừng sống trong quá khứ (thời Ferguson), tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội từ các Manucians. Sự tự tin và quyết đoán của Louis Van Gaal hứa hẹn sẽ giúp ông vực dậy đội bóng mặc cho những kết quả không tốt gần đây.
Khủng hoảng: Chelsea
- Phòng thay đồ
Van Gaal liên tục trấn an người hâm mộ trên truyền thông, nhưng có vẻ nội bộ United đang lục đục. Triết lí của Van Gaal được cho là không thuận lòng các cầu thủ và những chấn thương liên tiếp có thể bắt nguồn từ cường độ tập luyện quá khắc nghiệt. Quyết định đẩy đi James Wilson, Adnan Januzaj và Chicharito – những cái tên được ưa thích trong đội hình – cũng là một dấu hỏi lớn.
Trong khi đó, những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm dù khỏe mạnh vẫn bị thế chỗ bởi những cầu thủ trẻ. Ashley Young và Morgan Schneiderlin ngồi dự bị cả trận trước Bournemouth dù họ không dính chấn thương, trong khi Varela, Borthwick-Jackson, Pereira và Powell đều được vào sân.
Ở Chelsea xuất hiện những tin đồn về một làn sóng ngầm chống lại Mourinho, dẫn đầu bởi Fabregas khi cầu thủ này cảm thấy bất mãn với vị trí mình được xếp thi đấu. Dù tin đồn đó đúng hay sai, những chỉ trích công khai của HLV người Bồ Đào Nha nhằm vào Hazard, Matic, Loftus-Creek không thể giúp vực dậy tinh thần đội bóng.
7 tháng sau khi nâng cúp, một số cầu thủ Chelsea đã đánh mất động lực và bất cần với vị trí của đội bóng trên bảng xếp hạng.
Khủng hoảng: Chelsea
- Phòng họp báo và chuyển nhượng
Chủ tịch Abramovich xây dựng danh tiếng của một kẻ độc tài từ khi đặt chân đến Ngoại hạng Anh, nhưng ông vẫn kín tiếng trước sự bất ổn của Chelsea. Tỷ phú người Nga chưa có động thái nào để giải quyết khủng hoảng ở đội bóng.
Tình trạng này có phải do kì chuyển nhượng mùa hè? Có thể. Chelsea đã không ngừng chèo kéo John Stones nhưng thất bại, trong khi Juan Cuadrado và Filipe Luis ra đi sau khi chỉ đá được vài trận. Tuy nhiên, phần lớn đội hình hiện tại của The Blues là những con người đã giành chức vô địch mùa trước, vậy nên vấn đề có lẽ bắt nguồn từ ban huấn luyện.
Chiếc ghế của Van Gaal hiện tại vẫn an toàn. Tình hình chuyển nhượng của United cũng không hề sáng sủa với lỗi lớn thuộc về Ed Woodward, người chịu trách nhiệm chính về vấn đề mua bán cầu thủ.
Martial và Depay là những cầu thủ tiềm năng, nhưng phí chuyển nhượng quá cao. David De Gea suýt nữa rời đi mà không có sự thay thế xứng đáng. Cùng với đó, Mu theo đuổi một loạt những tên tuổi lớn nhưng không thành công, có thể kể đến: Thiago Alcantara, Fabregas, Sergio Ramos…
Ban huấn luyện cũng như các cổ động viên đang rất trông chờ vào kỉ chuyện nhượng sắp tới. Sau trận thua Bournemouth, nhiều tờ báo đăng tin MU nuôi hi vọng đưa về Lionel Messi, Neymar, Gareth Bale. Điều này sẽ không xảy ra, và những thông tin giật gân kiểu này sẽ không có đất dưới triều đại của những cáo già như Ferguson/David Gill.
Khủng hoảng: Man United
- Đón nhận chỉ trích
Chelsea hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ cổ động viên và mọi chuyện cũng không khá hơn với MU của Van Gaal. Lối chơi nhàm chán của United khiến các cựu cầu thủ của CLB bực tức tới nỗi họ ‘xếp hàng’ lên truyền hình để bày tỏ sự giận dữ với Van Gaal.
Scholes có lẽ người lớn tiếng nhất, thể hiện sự bất mãn với thứ bóng đá chậm chạp, vô hồn và bế tắc mà đội bóng đang chơi. Rio Ferdinand và Roy Keane cũng chỉ ra những nhược điểm trong cách chơi của United.
Nhưng Van Gaal vẫn nổi tiếng là người cứng đầu, bỏ ngoài tai tất cả lời chỉ trích.
Khủng hoảng: Van Gaal
Kết quả cuối cùng: Man Utd 5-5 Chelsea
Một kết quả mà Van Gaal sẽ không bao giờ cho phép xảy ra. Vị HLV này thà đi dạo khỏa thân trên phố còn hơn để đội nhà lọt lưới 5 bàn.