Ít dùng “cây nhà, lá vườn”
Thống kê mới đây của Sportsmail phác họa hình ảnh về Jose Mourinho như mẫu HLV không ưa các cầu thủ được Chelsea đào tạo.
Bằng chứng là suốt 5 năm ở Stamford Bridge, ông chỉ tạo cơ hội đá chính đúng 5 lần cho các cầu thủ xuất thân từ học viện bóng đá của Chelsea, cụ thể là Ruben Loftus-Cheek, Nathan Ake, Sam Hutchinson, Andreas Christensen và Lenny Pidgeley. Còn nếu xét rộng hơn đến những CNLV từng có cơ hội chào sân ở đội 1 dưới thời “Người đặc biệt”, tất cả cũng chỉ đến 9, bao gồm thêm Jimmy Smith, John Swift, Anthony Grant và Steven Watt. Tuy nhiên, Swift, Grant và Watt chỉ hiện diện trên sân đúng 1 phút. Và nếu gộp toàn bộ nhóm 9 người này lại, thời gian họ có mặt trên sân tổng cộng vỏn vẹn là 538 phút trong hơn 22 trận.
Chi tiết đáng lưu ý khác là trong 15 năm cầm quân, Mourinho chỉ trao cơ hội thi đấu ở đội 1 cho vỏn vẹn 23 cầu thủ thuộc học viện Chelsea, từ Benfica, Uniao Leiria, Porto đến Chelsea, Inter Milan và Real Madrid. Bên cạnh đó cần lưu ý, hầu hết các tài năng trẻ ấy chỉ được ông sử dụng khi đội 1 thiếu hụt quân số nghiêm trọng, hoặc xem họ như phương án để… câu giờ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng Mourinho đang lãng phí hơn 100 triệu bảng mà ông chủ Roman Abramovich từng rót vào học viện, tính từ lúc tỷ phú người Nga tiếp quản Chelsea năm 2003? Câu hỏi ấy càng bức thiết sau khi tài năng trẻ Loftus-Cheek tuyên bố ý định muốn rời Stamford Bridge theo hợp đồng đá thuê hoặc mua đứt bán đoạn trong kỳ chuyển nhượng mùa đông tới, vì Mourinho thất hứa nên không cho tiền vệ 19 tuổi này thi đấu thường xuyên. Thế nhưng, nói đi thì cũng nói lại, lẽ nào chỉ là tình cờ khi suốt 15 năm qua, John Terry vẫn là “cây nhà lá vườn” duy nhất trở thành trụ cột của Chelsea?
Ai cũng chê, sao lại trách Mou?
Đáp án xem ra là do chất lượng đào tại của các học viện ở Anh gần đây không đáng tin cậy. Vì thế, nhiều người trong giới chuyên môn chứ chẳng riêng Mourinho đều cho rằng các giải U.18 và U.21 của Premier League hiện không xứng là sân chơi để phát triển tài năng trẻ. Trong tình hình như vậy, Premier League càng phải chịu trách nhiệm khi từ chối kiến nghị trao giải thưởng 10 triệu bảng cho ngôi vô địch các giải trẻ để khuyến khích cạnh tranh. Thay vào đó, Chủ tịch FA Greg Dyke từng đề xuất tăng hạn ngạch cầu thủ tự đào tạo trong danh sách 25 cầu thủ đăng ký của mỗi đội dự Premier League từ 8 lên 12 cầu thủ phải có mặt ở CLB ấy từ năm 15 tuổi. Nể mặt FA, các CLB Premier League đã đồng ý tham gia bàn luận về thay đổi này, nhưng ngay cả những người trong cuộc cũng thừa nhận khó có khả năng nhanh chóng áp dụng vào thực tế.
Một khi hầu hết Premier League đều không xem trọng cây nhà lá vườn, trách nhiệm xem ra không thể quy cho HLV, mà phải nhắm vào BLĐ học viện. Về phần Mourinho, ông rõ ràng càng có lý do để thận trọng dùng cầu thủ trẻ, vì suốt sự nghiệp, HLV này gần như chỉ nắm các CLB lớn mà mùa nào mục tiêu hầu như chỉ có vô địch. Ngay thời điểm này khi Chelsea đang sa sút bất thường, Mourinho lại càng khó có thể mạo hiểm đánh bạc bằng cách đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ. Vì thế mà trong vấn đề đào tạo trẻ, Mourinho đáng trách nhất chỉ ở chỗ ông trót hứa trọng dụng Loftus-Cheek. Thế thôi!
Danh sách cầu thủ học viện được Mourinho đôn lên đội 1
- Benfica (09/2000 - 12/2000): Diogo Luis.
- Uniao Leiria (04/2001 - 01/2002): Joao Paulo Andrade.
- Porto (01/2002 – 06/2004): Ricardo Costa, Joca, Hugo Luz.
- Chelsea (06/2004 – 09/2007 và 06/2013 – nay): Nathan Ake, Andreas Christensen, Anthony Grant, Sam Hutchinson, Ruben Loftus-Cheek, Lenny Pidgeley, Jimmy Smith, John Swift, Steven Watt.
- Inter Milan (06/2008 – 05/2000): Rene Krhin, Davide Santon.
- Real Madrid (05/2010 – 06/2013): Antonio Adan, Alex Fernandez, Jese, Jose Rodriguez, Juan Carlos, Nacho, Tomas Mejias.