Đối với Brazil, Copa America 2016 không phải là mục tiêu hàng đầu trong năm nay, nhưng sự thật ấy chẳng phải là lý do để Dunga bỏ qua Neymar.
Tái ông thất mã?
Mối quan tâm hàng đầu của người Brazil chính là môn bóng đá nam ở Olympic diễn ra trên sân nhà cùng vòng loại World Cup 2018. Tuy nhiên, Dunga chỉ buộc phải gạch tên Neymar ra khỏi thành phần tới Mỹ sau khi Barcelona cương quyết không cho ngôi sao này đá tới 2 giải chỉ trong mấy tháng hè.
Họa vô đơn chí khi gần tới ngày ra quân tại Copa America Centenario, Dunga lại mất thêm một chọn lựa quan trọng: Chấn thương của tiền đạo Ricardo Oliveira (Santos) dọn đường cho Jonas (Benfica) chen vào danh sách 23 người.
Thế nhưng, một số chuyên gia tin rằng đối với Selecao, đây lại là chuyện “Tái ông thất mã”, vì với hiệu suất ghi bàn cực tốt ở mùa 2015/16 trong màu áo Benfica để đứng trong Top 5 cuộc đua tranh Chiếc Giày Vàng châu Âu, lão tướng 32 tuổi có thể chính là “số 9” mà người Brazil mong đợi như số áo anh được trao.
Tiền đạo kỳ này ổn hơn
Hơn nữa, dàn công Brazil lần này có vẻ ổn hơn so với cách nay một năm, khi Selecao phải dừng bước ở tứ kết Chile 2015 với bộ ba Neymar, Robinho và Diego Tardelli. Vì trước thềm Copa America 2015, Neymar tỏ ra xuất sắc nhất vẫn chỉ ghi được 22 bàn/33 trận cho Barcelona ở La Liga, còn Diego Tardelli ghi vỏn vẹn 10 bàn/23 trận ở giải VĐQG và 2 bàn/9 trận ở giải VĐ bang cho Atletico Mineiro trong năm 2014, rồi ghi 6 bàn/19 trận cho Shandong Luneng ở năm 2015. Hiệu suất của Robinho càng thảm với 6 bàn/20 trận giai đoạn 2014/15 cho Santos kèm thêm 3 bàn/10 trận cho Guangzhou Evergrande năm 2015.
So với bộ ba năm ngoái, bộ ba năm nay tạo ấn tượng tốt hơn: Hulk ghi 17 bàn/27 trận cho Zenit, còn Gabriel góp 7 bàn/17 trận giải VĐ bang Sao Paulo 2016 cho Santos, sau khi ghi 10 bàn/30 trận ở giải VĐ Brazil 2015 hồi mới 18 tuổi. Nhưng dĩ nhiên, “kẻ thay thế bất đắc dĩ” Jonas vẫn nổi bật nhất với 32 bàn/34 trận ở giải VĐ BĐN mùa này, vượt qua thành tích ghi bàn của anh cho Benfica ở mùa trước với 20 bàn/27 trận.
Thậm chí ở cuộc đua tranh Chiếc Giày Vàng châu Âu mùa này, Jonas từng có lúc vượt lên trước Cristiano Ronaldo, Gonzalo Higuain và Luis Suarez. Giờ đây, người Brazil chỉ hy vọng anh duy trì được phong độ ấy ít nhất trong thời gian diễn ra Copa America 2016, vì ở tuổi 32, Jonas chẳng thể là chỗ dựa của Selecao ở VCK World Cup 2018.
Dunga có lẽ cũng đang âm thầm cầu nguyện điều đó xảy ra. Vì xét cho cùng, ông có nguy cơ mất việc nếu Selecao thảm bại trên đất Mỹ. Trước hết là do thất bại ấy sẽ gây sốc cho bóng đá Brazil, ảnh hưởng tới tinh thần khi dự các giải khác trong năm như Olympic và vòng loại World Cup.
Kế đến, vì Olympic hạn chế độ tuổi cầu thủ tham dự nên trên thực tế, Copa America vẫn là sân chơi lý tưởng để mài giũa thế hệ mới của bóng đá Brazil vốn chưa được trui rèn thật sự do Selecao là chủ nhà World Cup 2014 nên được miễn vòng loại, nhưng Copa America 2015 lại là nơi để Dunga khảo sát các nhân tố mới, thay vì rà soát lại đám “tàn binh, bại tướng” của người tiền nhiệm Luiz Felipe Scolari xem có còn ai dùng được hay không trong số các hậu vệ Marcelo, Henrique, tiền vệ Paulinho, Ramires hoặc các tiền đạo Jo, Bernard (riêng Luiz Gustavo mãi tới Hè này mới có tên dự Copa America tại Mỹ).
Không Neymar là hỏng hết
Đúng là Jonas đang được đánh giá phù hợp với vai trò “số 9” do cách di chuyển hợp lý, khả năng kết nối với các vị trí khác và dứt điểm tỉnh táo cả trong lẫn ngoài vùng 16m50. Vấn đề là tại Benfica, anh chỉ tỏa sáng khi đá hộ công sau tiền đạo mũi nhọn Konstantinos Mitroglou. Chưa kể với 2 bàn qua 9 trận cho Selecao, lão tướng này rõ ràng chẳng phải gương mặt xa lạ ở ĐTQG, nhưng thể hiện chứng tỏ thành tích ở CLB chẳng đảm bảo được điều gì khi đá cho Brazil.
Diễn biến ở trận hòa 2-2 tại Paraguay hồi cuối tháng 3 năm nay càng xác nhận điều đó, khi sự hiện diện của Jonas trong 10 phút cuối không chỉ đánh dấu lần đầu anh trở lại ĐTQG kể từ tháng 09/2012, mà còn buộc người Brazil phải thừa nhận thời gian tiền đạo này cống hiện chẳng còn được bao lâu. Càng trớ trêu hơn khi đấy là trận đấu hiếm hoi gần đây mà Brazil vắng Neymar khiến họ chỉ giật lại được 1 điểm nhờ bàn gỡ của một hậu vệ đúng phút cuối.
Nói cách khác, Brazil giờ đây gần như dựa dẫm hết vào Neymar, nên nếu không có ngôi sao này trên sân, Dunga hầu như không có sự thay thế tương xứng nên thật ra, đưa tiền đạo nào đến Mỹ đều không còn quan trọng nữa, cho dù thành tích của họ ở giải VĐQG có tốt hơn bộ ba “tiền nhiệm”.
Thất bại tại Chile 2015 phản ánh rõ điều đó, vì sau khi Neymar bị treo giò do thẻ đỏ cuối trận thua Colombia, mọi điều chỉnh của Dunga chỉ đủ thắng sít sao Venezuela – đội duy nhất của Nam Mỹ chưa từng dự VCK World Cup, rồi thua Paraguay ở vòng sau trong loạt đá luân lưu 11m.
Còn ở Copa America 2016? Ecuador cùng Peru đều có thể gây rắc rối cho Brazil ngay từ vòng bảng, chưa kể Argentina có Lionel Messi và Uruguay vừa đón Luis Suarez trở lại, dù tiền đạo này có lẽ chỉ kịp bình phục để thi đấu từ sau vòng bảng mà thôi.