Điền kinh Việt Nam vượt Thái Lan, tạo ra kỳ SEA Games lịch sử

thứ hai 28-8-2017 9:10:42 +07:00 0 bình luận
2 kỷ lục SEA Games, 5 KLQG, 17 HCV và vị trí số 1 là thành tích tuyệt vời mà một người Việt Nam yêu điền kinh đến mấy cũng khó tưởng tượng ra được.

2 kỷ lục SEA Games, 5 KLQG, 17 HCV và lần đầu tiên ở vị trí số 1 là thành tích tuyệt vời mà một người Việt Nam yêu điền kinh đến mấy cũng khó tưởng tượng ra được trước khi Đại hội Thể thao Đông Nam Á diễn ra.

Kể từ khi Việt Nam quay trở lại hội nhập và tham dự SEA Games năm 1989, lần đầu tiên điền kinh Việt Nam vươn lên thống trị Đông Nam Á một cách ấn tượng đến vậy.

Khoảnh khắc vinh quang này cũng như buổi chiều huyền diệu trên đường đua Bukit Jalil ngày hôm nay sẽ mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử điền kinh Việt Nam.

Chinh, Hoa, Quyên, Tuyền khẳng định sự thống trị của Việt Nam ở cự ly ngắn nữ: 100m, 200m, 4x100m

Suốt từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn phải đứng sau cái bóng của Thái Lan ở môn thể thao nữ hoàng. 17 HCV cũng là con số mà Thái Lan đạt được ở 2 kỳ SEA Games gần nhất trong khi Việt Nam nỗ lực cũng chỉ có 11 HCV.

Trước khi SEA Games diễn ra, áp lực đè lên vai các VĐV, HLV Việt Nam bởi lực lượng thiếu hụt đều rơi vào những trụ cột từng giành HCV như Lê Trọng Hinh, Nguyễn Thanh Phúc hay Đỗ Thị Thảo trong khi điền kinh Việt Nam có khá nhiều gương mặt trẻ mới lần đầu tiên tham dự SEA Games: Tú Chinh, Bùi Văn Đông,...Chỉ tiêu của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 29 vì thế chỉ là 10-12 HCV, cũng đồng nghĩa với vị trí thứ 2 khu vực.

Sau 5 ngày thi đấu, 17 HCV điền kinh là màn chào SEA Games hoành tráng nhất của đoàn TTVN gửi đến bạn bè trong khu vực. Không chỉ có số lượng HCV “khủng”, nhiều tấm HCV thực sự chất! Điền kinh Việt Nam đã trình làng một lứa VĐV mới đầy hứa hẹn.

Nguyễn Thị Huyền xuất sắc phá kỷ lục ở nội dung 400m rào tại SEA Games 29. Ảnh: Hải Đăng.

Nguyễn Thị Huyền xuất sắc phá kỷ lục ở nội dung 400m rào tại SEA Games 29. Ảnh: Hải Đăng.

“Lâu lắm rồi, chúng ta mới lại mới lại nhìn thấy những bước chạy như thế kể từ sau Vũ Thị Hương. Nhưng Vũ Thị Hương không có thành tích cao nhất như thế này. Thành tích cao nhất của Hương Vũ (23:31) tại giải điền kinh VĐ châu Á 2007. Tuy nhiên, ở đấu trường SEA Games, thì đây là thành tích cao nhất”, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT, không giấu được sự phấn khích sau phần thi 200m của Tú Chinh “xém” vượt KLQG.

Sau khi đột phá ở 2 cự ly 100m và 200m nữ, Tú Chinh tiếp tục là nguồn cảm hứng, là nhân tố then chốt trong chiến thắng đầy vẻ vang của Việt Nam ở nội dung tiếp sức 4x100m. Đây vốn là nội dung “tủ” của Thái Lan bởi quốc gia này đầu tư nuôi hẳn một đội hình chỉ chuyên đấu tiếp sức.

''Tôi rất xúc động được hát Quốc ca thêm nhiều lần nữa''

"Tôi rất xúc động được hát Quốc ca thêm nhiều lần nữa". Ảnh: Nguyễn Đạt

Chỉ có 2 tháng để ráp đội hình, Tú Chinh, Mộng Tuyền, Đỗ Thị Quyên và Yến Hoa đã phối hợp trao gậy hoàn hảo để xô đổ kỷ lục SEA Games của người Thái. Một cột mốc mới của tổ cự ly ngắn, thể hiện sức mạnh toàn diện cả mặt cá nhân lẫn tập thể.

Cũng “chất” như Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền sưu tập trọn bộ đủ 3 HCV 400m, 400m vượt rào và tiếp sức 4x400m. Trong đó, cô gái người Nam Định đã chứng tỏ đẳng cấp của nhà ĐKVĐ khi phá kỷ lục SEA Games 400m rào với thành tích 56.06.

Lẽ ra, cự ly 400m Việt Nam còn có thể “hoành tráng” hơn nếu như Quách Thị Lan không gặp chấn thương ở chân và buộc phải nghỉ thi đấu nội dung cá nhân.

Cú nhảy xa quyết định của Vũ Thị Mến mang về tấm HCV cho điền kinh Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng

Cú nhảy xa quyết định của Vũ Thị Mến mang về tấm HCV cho điền kinh Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng

Ngoài Tú Chinh và Nguyễn Huyền, Nguyễn Thị Oanh (1500m, 5000m) và Yến Hoa (4x100m tiếp sức, 100m rào) cũng để lại dấu ấn sâu đậm với cú đúp HCV. Đáng ngợi khen khi cả hai vượt qua những trở ngại cá nhân để đổi màu huy chương SEA Games thành công.

Nếu như các cự ly ngắn thể hiện sự đột phá thì cự ly trung bình và dài vẫn là điểm tựa vững chắc của điền kinh Việt Nam ở mỗi kỳ SEA Games. Từ 400m đến 5000m, Việt Nam đều “ăn” vàng. Dương Văn Thái, Vũ Thị Ly và Nguyễn Văn Lai một lần nữa khẳng định sự thống trị của điền kinh VN ở 3 cự ly 800m, 1500m, 5000m.

Bộ đôi Dương Văn Thái (phải) và Võ Vũ Linh. Ảnh: Hải Đăng

Những tấm HCV không chỉ là chiến thắng của các cá nhân, mà còn là chiến thắng của sự đoàn kết, tinh thần đồng đội. Ảnh: Hải Đăng

Tổ nhảy cũng góp công lớn khi mang về 4 HCV do công của Dương Thị Việt Anh, Bùi Thị Thu Thảo, Vũ Thị Mến và chàng tân binh Bùi Văn Đông. Ngoài ra, một lứa trẻ kế thừa cũng được nhà chuyên môn đánh giá cao, hứa hẹn sẽ có thành tích đột phá trong tương lai gần.

 

Đội hình 4x400m nữ
Đội hình 4x400m nữ. Ảnh: Nguyễn Đạt

Nếu như trọn vẹn hơn thì điền kinh Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được hơn 17 HCV. Ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn TTVN ở SEA Games 29 tự tin khẳng định tại buổi sơ kết SEA Games. Quách Công Lịch, Bích Hà hay Hoàng Thị Thanh (HCB 400m, đi bộ, marathon) là 3 trường hợp điển hình mang lại sự tiếc nuối cho người hâm mộ.

Yến Hoa và người thầy của mình, HLV Vũ Ngọc Lợi

Yến Hoa (HCV 4x100m, 100m rào) và người thầy của mình, HLV Vũ Ngọc Lợi. Ảnh: Nguyễn Đạt

Dẫu sao, 17 HCV và ngôi vị số 1 là dấu mốc lịch sử của điền kinh Việt Nam ở đấu trường thể thao khu vực. Sự nỗ lực của tập thể các HLV, VĐV đã được đền đáp xứng đáng. Những gương mặt trẻ giành HCV mang lại niềm hi vọng về một sức bật mới, nhanh hơn, cao hơn, xa hơn của điền kinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Nếu được đầu tư đúng hướng, bài bản và lâu dài, điền kinh sẽ tiếp tục là lá cờ đầu của thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games tới.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm