Tất nhiên, một khi được xem lại các pha bóng diễn ra ở tốc độ cao, bị khuất tầm nhìn, sẽ giúp các trọng tài có những phán quyết chuẩn xác hơn. Nhưng máy móc suy cho cùng vẫn chỉ là công cụ hỗ trợ và con người mới là nhân tố quyết định. Điều đó có nghĩa là dù xem video quay chậm thì vẫn có khả năng phán quyết của trọng tài không thể thuyết phục số đông và được cho là chính xác hoàn toàn.
Có thể lấy chính pha bóng của Mertesacker làm thí dụ. Cả cựu HLV Graeme Souness lẫn những danh thủ như Thierry Henry và Jamie Carragher đều tranh cãi nảy lửa trong cabin bình luận về chiếc thẻ đỏ. Souness cho rằng “thẻ đỏ là quá nặng” còn Henry và Carragher đều đồng ý rằng trung vệ của Arsenal đáng bị đuổi ra ngoài. Rõ ràng, dù video chiếu lại tình huống này cả chục lần thì nó cũng không giúp phân tích rồi đưa ra kết luận ở một vài điểm quan trọng, ví như tác động va chạm từ phía Mertesacker có đủ để khiến Costa ngã lăn lộn ra như vậy không, hoặc nếu Mertesacker không xoạc thì Costa sau đó có thể ghi bàn không… Như thế, các trọng tài sau cùng vẫn phải khoát tay đưa ra quyết định của mình.
Ở Emirates, tất cả đều thấy Clattenburg có phần chần chừ, trước khi sờ vào túi áo ngực rút chiếc thẻ đỏ với Mertesacker. Nếu ở môi trường khác, giải đấu khác, trận đấu khác, nếu đám cầu thủ chủ nhà quây chặt trọng tài, gây sức ép hoặc thậm chí đòi bỏ trận đấu, chưa chắc thẻ đỏ đã được rút ra. Như thế trận đấu có thể “bể” chứ chưa nói giảm sút chất lượng và không còn cân bằng vì một đội thiếu người nữa. Vậy thì tại sao không xử phạt theo cách đơn giản và rõ ràng nhất, như quy nó về thành một quả phạt đền và cầu thủ phạm lỗi chỉ bị đuổi ra sân một khoảng thời gian nhất định?