Thực tế, không phải vô cớ mà các CLB tại phải chi trả tổng cộng tới 130 triệu bảng phí môi giới chuyển nhượng trong vòng 1 năm qua. Sở dĩ những tay môi giới chuyển nhượng ngày càng can thiệp, đóng vai trò quan trọng trong hầu hết những vụ chuyển nhượng từ bé đến trung bình và bom tấn, bắt nguồn từ chính thái độ thờ ơ của những đại gia hàng đầu ở Anh cũng như những ông chủ lắm tiền nhiều của tại các CLB đó.
Thống kê mới nhất chỉ ra rằng từ Liverpool tới Man Utd, Man City, Chelsea và Arsenal, số tiền lót tay các CLB này phải trả cho những “cò” môi giới cầu thủ lần lượt là từ trên 14 triệu bảng xuống xấp xỉ 12 triệu bảng, với cả thảy xấp xỉ 65 triệu bảng. Phải! Đó là con số khổng lồ! Nhưng hẳn chính các đại gia hàng đầu nước Anh kể trên cũng chẳng quá bận tâm, đặc biệt khi họ rút hầu bao mua sắm và thành công trong việc chiêu mộ những ngôi sao trị giá hàng chục triệu bảng. Hiểu theo cách nôm na, nếu bỏ ra vài chục triệu thì tiếc gì vài trăm ngàn hay thậm chí 1-2 triệu bảng phí môi giới. Tuy nhiên, hãy nhớ là chỉ những CLB lớn như nhóm ngũ đại gia kể trên, với tiềm lực tài chính hùng mạnh, mới đáp ứng nổi. Bởi thực tế trong danh sách 10 CLB giàu nhất châu Âu hiện tại, mà cũng có thể gọi họ là những đội bóng giàu nhất thế giới, đều có tên những Man Utd, Man City, Chelsea, Arsenal và Liverpool. CLB có giá nhất lên tới 2,056 tỷ bảng (Man Utd) và “rẻ” nhất cũng tận 650 triệu bảng (Liverpool). Chẳng lẽ những đội bóng đắt giá như thế lại đi cò kè từng xu phí môi giới?
Sau nữa, những người đang sở hữu các đội bóng lớn kể trên cũng là những tỷ phú đang nắm giữ khối tài sản kếch xù. Ví như Mansour Al Nahyal của Man City với tận 20 tỷ bảng, hay Roman Abramovich với 5,3 tỷ bảng, Stan Kroenke là 4 tỷ bảng, nhà Glazer 3 tỷ bảng và John Henry là 1 tỷ bảng. Đương nhiên, bóng đá chỉ là một trong số vô vàn kênh đầu tư của họ. Và hẳn là chuyện chuyển nhượng, với số tiền phí môi giới cầu thủ phải chi trả, cũng không làm mấy ông chủ bận tâm để ý bằng những kế hoạch phát triển tầm vĩ mô. Còn nhớ cách đây 12 năm, khi Abramovich thâu tóm Chelsea đã nhờ tay cò Pinhas Zahavi đứng ra làm trung gian. Chỉ riêng trong kỳ chuyển nhượng hè 2003, khi Chelsea đổ 111 triệu bảng mua sắm cầu thủ, Zahavi cũng bỏ túi tới 5 triệu bảng tiền hoa hồng. Chưa ai quên sau đó Zahavi còn “đạo diễn” vụ đào tẩu của Ashley Cole từ Arsenal sang Chelsea. Rõ ràng, chính những đại gia đôi lúc cũng cần những “ay “cò” giúp sức trong những vụ chuyển nhượng khó khăn và bởi thế, nếu giới “cò” ngày càng can thiệp quá sâu vào công tác chuyển nhượng cũng như vớ bẫm tiền môi giới thì cũng là hệ quả tất yếu.