Tài khoản @dgibbo28 sau 2 giờ đã khóa!
Câu chuyện của Darron Gibson có thể xem như cảnh báo cho mọi cầu thủ về nguy cơ có thể gặp phải khi tập tành chơi mạng xã hội. Lấy cảm hứng từ việc đàn anh Wayne Rooney vừa lập tài khoản trên Twitter liền thu hút gần 200.000 người theo dõi, tiền vệ trẻ của Man Utd – nay đang chơi cho Everton – bèn tạo một “nick” có tên “@dgibbo28” và được thủ quân lúc đó là Rio Ferdinand quảng cáo rùm beng. Nhưng chỉ 2 giờ sau, tài khoản “@dgibbo28” đã bị khóa.
Đơn giản là do chủ nhân 23 tuổi của nó chịu không nổi những câu bình luận khó “đỡ” của NHM. Ví dụ như ý kiến của một CĐV: “Thể hiện của cậu hôm thứ Bảy qua là 1 trong những màn trình diễn tệ hại nhất tôi từng thấy ở các cầu thủ Man Utd. Cậu sợ có bóng nhiều hả?”. Một bình luận dễ gây sốc nhất so sánh: “Bạn ơi, bạn đá ở trung tâm hàng tiền vệ trông cứ như 33 tuổi ấy! Chạy chậm rì rì như Pirlo!”. Buồn thay, hậu quả chưa dừng lại ở đó, vì đòn phủ đầu của NHM đã khiến Gibson mất hẳn tự tin, chỉ đá đúng 1 trận ở Premier League 2011/12 rồi khăn gói sang Everton.
Khôn khéo như Podolski
Nhưng tất nhiên, chẳng phải ai cũng gặp phải bi kịch với mạng xã hội như tiền vệ của “Quỷ đỏ”. Thậm chí, Lukas Podolski có thể xem như cao thủ khai thác mạng xã hội bằng cách cư xử rất khôn ngoan hồi mới chuyển đến Arsenal. Biết rõ áp lực lớn lao của kẻ trám chỗ Robin van Persie vừa chuyển sang Man Utd, tiền đạo Đức đã hóa giải khó khăn thật tuyệt vời bằng cách đi xe bus khắp London để làm bạn với NHM qua những tấm ảnh lưu niệm, rồi đăng lên trên tài khoản cá nhân, cũng như trò chuyện với các CĐV và chia sẻ tình yêu dành cho “các Pháo thủ”.
Cách làm đó của Podolski hiệu quả tới mức đôi khi đặt HLV Arsene Wenger vào thế khó xử. Chẳng hạn như có lần “Giáo sư” đẩy Podolski ra ghế dự bị, NHM tiền đạo này trên trang Twitter đã réo gọi tên anh rần rần trên các khán đài sân Emirates. Hoặc khi Podolski bị rút ra khỏi sân từ sớm do thi đấu không hiệu quả, các CĐV thường huýt sáo phản đối quyết định của BHL. Đôi lúc chỉ cần thấy Podolski bước ra sân khởi động, NHM trên khán đài đã vỗ tay ào ào.
Lợi và hại của Facebook & Twitter
Nhưng rốt cuộc, Podolski vẫn phải rời Arsenal sang Galatasaray, sau thời gian đá thuê ở Inter Milan. Kết cục ấy chứng tỏ Facebook & Twitter có thể giúp cầu thủ tạo được môi trường thi đấu thoải mái hơn nhờ chiếm được tình cảm của NHM, song đừng quên rằng chuyên môn vẫn là điều quyết định sự nghiệp của họ. Nếu trình độ của cầu thủ chưa đủ, mối quan hệ tạo dựng trên Facebook & Twitter chỉ đủ để giúp họ buộc BHL phải cân nhắc có nên sử dụng hay không. Còn nếu trình độ quá ổn, họ sẽ càng được yêu mến và dễ dàng trở thành thần tượng.
Tuy nhiên, chẳng phải ngẫu nhiên mà chơi Facebook & Twitter tương tự như chơi dao hai lưỡi. Bởi lẽ, cầu thủ chơi mạng xã hội rõ ràng cần đủ tỉnh táo để đáp ứng nhu cầu của NHM ở chừng mực nhất định, vì đòi hòi của con người là bất tận, nên từ những yêu cầu ban đầu như muốn biết tâm tư nguyện vọng của các “sao” hay sở thích của họ…, ngày càng nhiều “fan” cuồng háo hức muốn biết chuyện phòng the hoặc những điều bị xem là cấm kỵ trong phòng thay đồ. Ngặt nỗi, không ít cầu thủ chẳng biết điểm dừng, đến lúc hiểu rằng nước bẩn đã hắt ra thì chẳng thể thu hồi e rằng quá muộn.
Có nguyên tắc của truyền thông
Song song đó, chẳng ít cầu thủ và cả người chơi mạng xã hội ở Anh đều không biết rằng Facebook & Twitter không phải những nơi muốn nói gì thì nói. Vì vậy mới có chuyện một sinh viên từng ngồi tù 56 ngày do có bình luận sặc mùi phân biệt chủng tộc về cầu thủ Fabrice Muamba thời tiền vệ này còn đá cho Bolton. Hoặc như CĐV Peter Copeland (Sunderland) bị tù treo 4 tháng do lăng mạ các CĐV Newcastle. Ngặt nỗi là ngay cả những người biết luật như sinh viên luật Joshua Cryer cũng từng cố tình “vượt rào” bằng cách sỉ nhục cựu danh thủ Stan Collymore với ý đồ muốn trở thành nổi tiếng.
Sở dĩ có những án phạt răn đe đủ nặng như vậy là do ở Anh, mạng xã hội được xếp vào nhóm truyền thông, nghĩa là những gì đăng lên trên Facebook & Twitter cũng bị xem như thông tin báo chí, nên không chuẩn mực đều bị pháp luật trừng phạt. Do đó, người Anh được khuyến cáo không được đăng những ý kiến có tính kích động, đe dọa, xem thường hoặc phỉ báng người khác hoặc tổ chức nào đó… Riêng đối với giới “quần đùi, áo số”, những hạn chế như thế càng cần thiết. Bởi lẽ, cầu thủ tìm đến với Facebook & Twitter chỉ nên để tìm sự đồng cảm và động viên, thay vì tìm cách nói xấu nhau vô căn cứ, hoặc hứng chịu chỉ trích nhiều khi có phần quá đáng từ những CĐV quá khích…
Minh Châu
Facebook & Twitter có thể giúp cầu thủ tạo được môi trường thi đấu thoải mái hơn nhờ chiếm được tình cảm của NHM, song đừng quên rằng chuyên môn vẫn là điều quyết định sự nghiệp của họ.