Thế nhưng, 10 năm qua, thật khó để xếp cầu thủ người Anh vào hàng ngũ những huyền thoại tại Emirates. Và đây cũng chính là điều mà Arsene Wenger nói đến khi HLV người Pháp nhìn lại một thập kỉ của anh.
“Cậu ấy đến lúc mới 16 tuổi và có mặt ở World Cup dù không chơi một trận đấu nào tại Premier League”, Wenger nói. “Nhưng cậu ấy đã vượt qua sức ép cùng với sự nổi tiếng sớm như vậy. Cậu ấy luôn đứng vững trên đôi chân của mình và luôn tiếp nhận những ý tưởng mới. Phong độ của cậu ấy có lúc lên, lúc xuống bởi vì chấn thương nhưng tinh thần đã mạnh mẽ hơn. Cậu ấy đã phát triển tốt, dứt điểm tốt hơn, ăn ý hơn với các đồng đội”.
Có điều, dù được xem là “ma cũ” của Arsenal với thâm niên hơn cả Tomas Rosicky, tiền vệ gia nhập Emirates từ Dortmund sau đó 4 tháng vào tháng 5/2006, Walcott không phải là cầu thủ có ảnh hưởng nhất hay quan trọng nhất của Wenger. Có thể vì anh chỉ được xem như một tiền vệ cánh, có thể vì anh chấn thương nhiều không kém gì một cầu thủ khác của Arsenal là Abou Diaby nhưng đừng quên là quãng thời gian Walcott có mặt ở London, họ đã trải qua 9 năm liền không danh hiệu, trước khi giành được liên tiếp hai danh hiệu FA Cup vào năm 2014 và 2015.
Thế nên, nếu HLV người Pháp khẳng định tất cả vẫn chưa thấy được một Walcott xuất sắc, việc anh có lột xác từ cầu thủ giỏi thành cầu thủ huyền thoại cũng phụ thuộc nhiều vào Arsenal. “4-5 năm tới sẽ có tính quyết định với cậu ấy”, Wenger nói. “Đó là thời điểm quan trọng trong sự nghiệp một cầu thủ. Đó là khi một cầu thủ giỏi trở thành một cầu thủ huyền thoại”. Vấn đề là Arsenal có vô địch Premier League hay Champions League hay không.