Năm nào, bệnh viện của Arsenal cũng phải tiếp nhận hàng chục ca chấn thương. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, các Pháo thủ đã 15 chấn thương, trong đó có nhiều trường hợp khá nghiêm trọng như chấn thương đầu gối của Alex Oxlade-Chamberlain, chấn thương đầu của Per Mertesacker hay chấn thương kép gót chân và đầu gối của Santi Cazorla. Còn nếu tính cả mùa giải năm nay thì con số này là 38 ca chấn thương san sẻ cho tổng cộng 20 cầu thủ. Nghiêm trọng nhất là trường hợp vỡ xương mác khiến Jack Wilshere phải bỏ lỡ gần như cả mùa giải năm nay. Nhưng ngay khi mới trở lại tập luyện, tiền vệ người Anh đã phải ôm đầu gối một cách đau đớn trong trận thua 1-2 của U21 Arsenal trước U21 West Brom vào ngày hôm qua. Hiện tại, bộ phận y tế Arsenal vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về chấn thương của Wilshere.
Nhưng sự việc này một lần nữa đặt ra câu hỏi, vì sao Arsenal vẫn không thể rút ra kinh nghiệm đối phó với bão chấn thương, dù năm nào “Pháo thủ” cũng lọt vào Top những đội bóng chấn thương nhiều nhất Premier League, hay thậm chí là cả châu Âu. Trung bình mỗi mùa giải, HLV Wenger lại mất các trụ cột trong khoảng 800 ngày, một con số khiến nhiều người phải giật mình nếu biết rằng các ứng cử viên vô địch khác như Chelsea, Man City, Man Utd, Liverpool hay Tottenham thường chỉ mất người trong thời gian bằng khoảng 1/3 so với Arsenal.
Không nói đâu xa, một trong những nguyên nhân giúp Leicester đang dẫn đầu bảng xếp hạng Premier League là các trụ cột của họ như Jamie Vardy, Riyad Mahrez, N’Golo Kante, Drinkwater, Wes Morgan hay Kasper Schmeichel hầu như chưa bao giờ phải nghỉ thi đấu. Tính cho đến thời điểm hiện tại, “Bầy Cáo” mới chỉ có 18 ca chấn thương. Con số này ở Man City và Tottenham lần lượt là 72 và 41. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Arsenal bị "bão chấn thương" tàn phá nhẹ hơn hai đối thủ trên.
Thống kê của Premier League Injuries Ltd chỉ ra rằng, các Pháo thủ gặp trung bình 2 chấn thương/trận trong giai đoạn một của mùa giải. Con số này giảm xuống còn 1,4 chấn thương/trận trong giai đoạn hai. Trung bình, một chấn thương sẽ cướp đi một cầu thủ của Arsenal trong 24 ngày ở giai đoạn một và 17,2 ngày ở giai đoạn hai. Số tiền phục vụ công tác y tế của Arsenal cao thứ hai Premier League (20,2 triệu bảng/mùa), chỉ sau Newcastle. Và điều đáng nói hơn nữa là HLV Arsene Wenger không có thói quen xoay tua đội hình. Hệ quả là các trụ cột như Jack Wilshere, Santi Cazorla, Alex Oxlade-Chamberlain, Francis Coquelin, Alexis Sanchez, Mesut Oezil, Laurent Koscielny hay Aaron Ramsey, thường phải thi đấu trong tình trạng mệt mỏi và nếu gặp phải chấn thương thì thường là rất nặng. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi đội bóng của HLV Arsene Wenger thường hụt hơi vào tháng 2 - 3, giai đoạn có tính chất quyết định đến chức vô địch của mùa giải.
Một mình Jack Wilshere đã dính tổng cộng 21 chấn thương trong vòng 6 năm qua. Hệ quả là tiền vệ người Anh thường xuyên phải nghỉ thi đấu dài hạn và không thể đóng góp nhiều cho Arsenal