Khi Bournemouth mở lời mua ngôi sao AC Milan Stephan El Shaarawy với giá 10 triệu bảng và Swansea sẵn sàng trả hơn 14 triệu bảng để có Manolo Gabbiadini (Napoli), đấy chính là tín hiệu cho thấy tới lúc ngay cả các CLB nhỏ của Premier League cũng đủ khả năng tài chính để lôi kéo tài năng từ các CLB hàng đầu châu Âu ở những nơi khác.
Đó là chưa kể trong các vụ chiêu mộ này, tiền lương chẳng là vấn đề với người Anh, khi ngôi sao Ai Cập 23 tuổi chỉ đang được nhận 2 triệu bảng/năm tại San Siro, còn tuyển thủ Italia 24 tuổi thậm chí chỉ hưởng 1 triệu bảng/năm ở Naples.
Trên thực tế, quyền lực của Premier League đã sớm hé lộ từ trước, khi đội bóng xoàng xỉnh cỡ Stoke vẫn đủ sức chiêu mộ Xherdan Shaqiri từ Inter Milan, Bojan và Ibrahim Afellay từ Barcelona, trong lúc Leicester tóm được Shinji Okazaki vừa tỏa sáng ở Mainz và kéo N'Golo Kante ra khỏi Caen, tương tự Crystal Palace dụ dỗ Yohan Cabaye (PSG), còn West Ham lấy được chữ ký của Angelo Ogbonna (Juventus) cùng Dimitri Payet (Marseille).
So với “xóm nhà lá” ấy, chuyện các “đại gia” thuộc Big 6 của Premier League săn đầu người thành công khắp châu Âu xem ra quá mức bình thường.
Chẳng hạn như ở Ligue 1, Lyon và Monaco phải ngậm ngùi nhìn Clinton Njie đến Tottenham và Anthony Martial sang Man Utd. Tại Bundesliga, Leverkusen, Hoffenheim cùng Wolfsburg không ngăn nổi Son Hyeung-min tới Tottenham, Roberto Firmino sang Liverpool và Kevin De Bruyne đến ManCity. Tại Serie A, đó là chuyện của Shaqiri và Ogbonna. Còn ở La Liga, Atletico Madrid, Barcelona và Valencia cũng đành nhìn Toby Alderweireld gia nhập Tottenham, Gerard Deulofeu đầu quân cho Everton và Nicolas Otamendi chuyển tới Man City.
Dĩ nhiên là còn nhiều ví dụ nữa, song tất cả đều dẫn đến cùng một nhận định: Ai có tiền, người đó có quyền quyết định luật chơi của TTCN. Và ở đây, rõ ràng là Premier League đang thao túng tất cả. Thế nhưng, thực trạng ấy chẳng bất ngờ nếu lưu ý rằng Arsenal kiếm được tiền từ BQTH chẳng kém Barcelona. Leicester bỏ túi còn nhiều hơn cả Atletico Madrid. West Ham giàu hơn cả PSG. CrystalPalace đủ sức so kè với Bayern Munich. Watford và Stoke bỏ túi hơn cả Wolfsburg.
Thậm chí Bournemouth - CLB nhỏ nhất từng góp mặt không chỉ ở Premier League mà cả lịch sử giải vô địch Anh cũng đủ sức chen vào Top 30 CLB có BQTH cao nhất châu Âu, trong khi AC Milan từng 18 lần vô địch Serie A và 7 lần đoạt Cúp C1/Champions League không chen nổi vào nhóm này!
Sức mạnh của Premier League càng đáng sợ nếu biết rằng BXH ấy là tính gộp toàn bộ thu nhập từ BQTH, nghĩa là nhiều đại diện Anh chịu thiệt thòi do không dự các Cúp châu Âu mà vẫn có đủ 20 CLB trong Top 30.
Nguyên nhân được giải thích là do chỉ tính từ phân chia BQTH trong nước, đội vô địch Premier League sẽ nhận khoảng 100 triệu bảng, còn đội đứng cuối vẫn kiếm được khoảng 66 triệu bảng. Vì thế, nếu không được dự Champions League, Atletico chỉ xách dép cho Leicester, tương tự West Ham và Crystal Palace thừa sức cho PSG cùng Bayern Munich hửi khói nếu các CLB số 1 của Pháp và Đức không tiến xa ở Champions League.
Đến đây, ắt hẳn có người sẽ hỏi làm thế nào để chặn đứng thế thống trị của Premier League? Và chắc chắn chưa có ai tìm được đáp án, đặc biệt do từ mùa sau, thu nhập từ BQTH của các CLB Premier League dự kiến sắp tăng ít nhất là 50% so với hiện nay! Tới lúc đó, đừng gọi Barcelona, Real Madrid, Bayern Munich hoặc PSG là “đại gia” trước những người Anh nữa nhé.