2 kỳ CN trong năm: Đừng chờ nước tới chân mới nhảy

chủ nhật 19-7-2015 15:33:36 +07:00 0 bình luận
Từ lúc FIFA chính thức yêu cầu mọi giải VĐQG đều chỉ có 2 kỳ chuyển nhượng vào mùa 2002/03 thì đến nay, tất cả đều hiểu rõ ở mỗi mùa bóng, các đội đều có 2 giai đoạn để tăng cường lực lượng mà giới truyền thông ví von là “cửa sổ chuyển nhượng” (CSCN). Theo đó, “CSCN mùa hè” kéo dài hơn với tối đa 12 tuần, còn “CSCN mùa đông” diễn ra trong vòng 4 tuần đầu năm.

Dĩ nhiên là tùy theo thời tiết, thời điểm mở các “CSCN” có những dị biệt. Chẳng hạn các CLB Na Uy hoặc Thụy Điển có giai đoạn chuyển nhượng dài từ tháng 1-3 và giai đoạn chuyển nhượng ngắn từ giữa tháng 7 đến trung tuần tháng 8. Ở Phần Lan, các đội mua sắm chủ yếu từ đầu tháng 3 tới cuối tháng 4, còn tháng 8 hoạt động theo kiểu “CSCN mùa đông”. Trong khi ấy, “CSCN mùa đông” ở Nga bắt đầu từ cuối tháng 1 và kéo dài tới cuối tháng 2. Nhưng nhìn chung thì dù có xê xích vài ngày thì hầu hết các giải VĐQG khác ở châu Âu – thị trường được quan tâm và cũng rầm rộ nhất – đều có “CSCN mùa hè” từ đầu tháng 6 tới cuối tháng 8, còn “CSCN mùa đông” vận hành suốt tháng 1.

Đừng chờ nước tới chân mới nhảy

Thời gian mua sắm như vậy là không ngắn, đặc biệt khi các CLB thực chất đều quan sát các mục tiêu muốn mua từ lâu nên thật đáng trách khi phát sinh những vụ mua bán vội vàng ngay sát hạn chót của phiên chuyển nhượng và sau đó không dùng được. Điều trớ trêu là thực trạng này khá phổ biến, mà Mario Balotelli tới Liverpool chỉ 1 tuần trước khi “CSCN hè 2014” khép lại chỉ là một trong những ví dụ mới nhất. Đội chủ sân Anfield xem ra chưa rút được kinh nghiệm đau đớn khi thực hiện 1 trong những vụ chuyển nhượng tệ hại nhất lịch sử Premier League, lúc kéo Andy Carroll rời Newcastle với giá 35 triệu bảng đúng ngày 31/01/2011 để được đền đáp bằng vỏn vẹn 11 bàn qua 58 trận.

Cũng vì cái tật đợi nước đến chân mới nhảy như vậy, không ít nhà cầm quân lừng lẫy đã làm tổn hại danh tiếng do rước về “hàng lởm”. Sir Alex Ferguson cũng không là ngoại lệ chỉ vì mua Dimitar Berbatov với giá trên 30 triệu bảng vào ngày 01/09/2008. Vì rõ ràng là với 56 bàn qua 149 trận cho Man Utd, chân sút người Bulgaria không xứng đáng với khoản tiền khổng lồ đó. HLV Arsene Wenger thậm chí còn có 2 “tiền án” với Lassana Diarra từ Chelsea tới Arsenal năm 2007 và Andre Santos rời Fenerbahce năm 2011.

Một trong những lý do khiến HLV Carlo Ancelotti bị Chelsea sa thải phần nào cũng do vội vàng rước Fernando Torres từ Anfield tới Stamford Bridge với giá kỷ lục ở Anh là 51,5 triệu bảng đúng ngày cuối của “CSCN mùa đông” năm 2011. Vì ngay cả khi Jose Mourinho cố gắng tận dụng, chân sút này cũng chỉ ghi nổi 20 bàn qua 110 trận ở Premier League , nên phải sang AC Milan, trước lúc quay trở lại Atletico Madrid. Và dĩ nhiên, ngày cuối của “CSCN” còn chứng kiến nhiều vụ gây thất vọng lớn khác như Alfonso Alves (8 triệu bảng, Heerenveen đến Middlesbrough ngày 31/01/2008) hoặc Roman Pavlyuchenko (14 triệu bảng, Spartak Moscow đến Tottenham ngày 01/09/2008)… Trên thực tế thì rõ ràng là trước đó, những cầu thủ nêu trên đều được đánh giá rất cao. Do vậy, nguyên nhân thất bại chẳng thể là do các “CSCN”, mà chịu trách nhiệm phải là các HLV hoặc giám đốc thể thao.

THIÊN TỨ

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm