Xã hội hóa thể thao tạo ra võ sỹ giành vé dự Olympic 2020 Nguyễn Văn Đương như thế nào?

Lâm Gia
thứ bảy 24-7-2021 17:57:00 +07:00 0 bình luận
Việc nhân rộng mô hình xã hội hóa thể thao đã và đang góp phần khai phá ra những tiềm năng của một võ sĩ Boxing vừa giành vé dự Olympic 2020 như Nguyễn Văn Đương, và có thể còn nhiều cái tên khác nữa.

Liên tiếp những năm gần đây, Boxing Việt Nam nhận tin vui khi các võ sĩ của chúng ta đạt được thành tích ở các đấu trường tầm cỡ thế giới. Với một võ đài bán chuyên, đó là động lực và tín hiệu tích cực cho thấy sự đầu tư cho nền Boxing nước nhà đang đi đúng hướng.

Trước thành tích này, ngay cả các lãnh đạo của Liên đoàn Boxing Việt Nam cũng bất ngờ về những gì võ sĩ sinh năm 1996 Nguyễn Văn Đương vừa làm được. Bởi chàng võ sĩ quê Bắc Ninh đã vượt quá xa kỳ vọng khi giành vé dự Olympic 2020.

Xã hội hóa thể thao tạo ra võ sỹ giành vé dự Olympic 2020 Nguyễn Văn Đương như thế nào?
Nguyễn Văn Đương vừa mang về tấm vé dự Olympic 2020

Xét về trường hợp của Nguyễn Văn Đương, tay đấm vừa giành tấm vé thứ 5 cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020 từng là một vận động viên thuộc đơn vị Công An Nhân Dân, sau đó được chuyển sang đơn vị Bắc Ninh tập luyện thi đấu. Dù đã có kinh nghiệm và đạt thành tích cao ở những giải quốc nội, Văn Đương vẫn chưa thực sự bật lên bởi không có những cơ hội quảng bá. Tất cả đều do những hạn chế về hình thức đầu tư cho võ sĩ ở thời điểm anh bắt đầu bộc lộ tài năng.

Nhìn lại thời điểm Boxing bắt đầu quay trở lại Việt Nam đầu những năm 2000, lúc đó, mặc dù kì SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam nhưng chúng ta cũng chưa dám mơ tới việc tranh chấp huy chương khu vực, chưa nói những giấc mơ xa hơn như châu lục hay Olympic.

Thậm chí, tới mãi sau này Boxing Việt Nam cũng chỉ nhắm tới các hạng cân nữ với những võ sĩ như Lê Thị Bằng, Nguyễn Thị Yến (2015), Nguyễn Thị Tâm (2017), trong khi Trương Đình Hoàng là nam VĐV hiếm hoi từng giành HCV SEA Games...

Nhưng tất cả dần thay đổi, khi công tác xã hội hóa thể thao được đẩy mạnh với sự mạnh dạn tham gia đầu tư của các đơn vị tư nhân.

Xã hội hóa thể thao tạo ra võ sỹ giành vé dự Olympic 2020 Nguyễn Văn Đương như thế nào?
Nguyễn Thị Tâm giành tấm HCV duy nhất cho Boxing Việt Nam ở kỳ SEA Games 30 vừa qua

Lúc này, các nguồn kinh phí xã hội được tận dụng, không chỉ nâng cao về chất lượng tập luyện, ngay cả công tác quảng bá xây dựng hình ảnh võ sĩ cũng được đầu tư tỉ mỉ từng bước.

Theo nhận định từ ông Vũ Đức Thịnh, trưởng bộ môn Boxing, đây là con đường đáng lẽ ra nên được khai phá từ lâu bởi những lợi ích mà nó mang lại. Ví dụ như thành công của Nguyễn Văn Đương là kết quả từ sự hợp tác giữa Tổng cục Thể dục thể thao và đơn vị tư nhân VSP Boxing trong thời gian vừa qua.

"Phải chú trọng xây dựng quyền lợi, mà trước nhất là vấn đề tài chính cho võ sĩ thì họ mới có thể an tâm thi đấu chuyên nghiệp và đạt thành tích cao. Như hiện tại, ngay cả các hoạt động tập luyện cho tới đảm bảo dinh dưỡng cũng có sự giám sát của các chuyên gia do Tổng Cục mời về. Tất cả những thành công vừa qua là sự đầu tư phối hợp của 2 phía nhà nước và tư nhân" - Tiến sĩ Vũ Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Boxing thuộc Tổng cục Thể dục thể thao chia sẻ.

Xã hội hóa thể thao tạo ra võ sỹ giành vé dự Olympic 2020 Nguyễn Văn Đương như thế nào?
Ông Vũ Đức Thịnh trả lời phỏng vấn Webthethao.vn trực tiếp từ nhà thi đấu Boxing tại Manila, SEA Games 30

Mặc dù hiện tại, con đường đạt tới những mục tiêu cao hơn như một tấm huy chương Olympic cho Boxing vẫn vô cùng gian nan, nhưng những thành quả ban đầu này đang là tín hiệu tốt của công tác xã hội hóa thể thao.

Với việc tìm nhiều nguồn hỗ trợ giúp đảm bảo tốt hơn nữa thu nhập cho võ sĩ cũng như tạo điều kiện tốt hơn để thi đấu cọ xát các giải tầm cỡ quốc tế, tài năng của các vận động viên Boxing Việt Nam có thể phát huy tối đa và họ hoàn toàn có thể gặt hái được thành công hơn nữa trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm